Ngộ độc ánh nắng mặt trời là gì?

  •  
  • 119

Ngộ độc ánh nắng mặt trời gây cháy nắng trên da, có thể dẫn tới đau nhức, sốt, buồn nôn, mất nước, lú lẫn.

Ngộ độc ánh nắng mặt trời là tình trạng cháy nắng nghiêm trọng xảy ra khi tia cực tím (UV) của mặt trời làm tổn thương tế bào da, gây ra tình trạng viêm dẫn đến các triệu chứng như đỏ da, phồng rộp, ớn lạnh, sốt, buồn nôn, đau nhức, phát ban, lột da, mạch và nhịp thở nhanh, mệt mỏi, mất ý thức, mất nước...

Người có làn da sáng màu có nhiều khả năng bị ngộ độc ánh nắng hơn người da sẫm màu vì có ít melanin hơn. Melanin là sắc tố màu nâu mà cơ thể tạo ra để ngăn chặn các tia UV có hại và bảo vệ làn da.

Ngộ độc ánh nắng mặt trời xảy ra khi tiếp xúc với tia UV vượt quá khả năng bảo vệ da của melanin. Các triệu chứng thường phát triển trong vòng vài giờ và đạt đỉnh điểm trong khoảng 6-48 giờ sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Nếu gặp tình trạng này, điều đầu tiên cần làm là tìm bóng râm hoặc ở trong nhà cho đến khi các triệu chứng giảm. Một số biện pháp tự chăm sóc có thể giảm nhẹ triệu chứng ngộ độc ánh nắng như sau:

  • Làm mát da: Tắm nước mát hoặc đắp khăn ướt, mát lên vùng da bị ảnh hưởng.
  • Dùng thuốc giảm đau không kê đơn có thể giảm đau nhẹ đến trung bình.
  • Uống nhiều nước: Ngộ độc ánh nắng khiến cơ thể hút chất lỏng từ phần còn lại để cung cấp nước cho da. Uống nhiều nước giúp bổ sung lượng chất lỏng bị mất, có thể ngăn ngừa tình trạng mất nước.
  • Không nặn hoặc gãi vết phồng rộp hình thành trên vùng da bị cháy nắng, tăng nguy cơ nhiễm trùng da do vi khuẩn thâm nhập.
  • Dưỡng ẩm: Cấp nước cho làn da bằng kem dưỡng ẩm hoặc gel có nguồn gốc từ lô hội.
  • Mặc quần áo rộng rãi để tránh kích ứng da và khiến triệu chứng nặng hơn.

Các triệu chứng có thể kéo dài vài ngày đến vài tuần. Nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng, người bệnh có thể cần điều trị tại bệnh viện bằng các phương pháp như truyền dịch để bổ sung chất lỏng và chất điện giải bị mất, dùng steroid đường uống để giảm viêm, thuốc giảm đau theo toa.

Ngộ độc ánh nắng phổ biến nhất ở vùng khí hậu nhiệt đới và những thời điểm mà mọi người phơi nắng nhiều hơn. Ai cũng có thể gặp tình trạng này nếu dành quá nhiều thời gian dưới ánh nắng mặt trời mà không che chắn và thoa kem chống nắng thích hợp. Tuy nhiên, những người có sẵn các bệnh về da như lupus, chàm... dễ bị ngộ độc ánh nắng hơn.

 Tiếp xúc nhiều với tia cực tím gây nguy cơ ngộ độc ánh nắng mặt trời.
Tiếp xúc nhiều với tia cực tím gây nguy cơ ngộ độc ánh nắng mặt trời. (Ảnh: Anh Ngọc).

Chủ động bảo vệ da khỏi tia UV là cách tốt nhất để tránh hoặc ngăn ngừa ngộ độc ánh nắng mặt trời. Thoa kem chống nắng phổ rộng có chỉ số chống nắng (SPF) từ 15 trở lên trên tất cả vùng da tiếp xúc với ánh nắng ít nhất 20 phút trước khi ra ngoài trời. Thoa lại kem sau mỗi hai giờ và mỗi khi đổ mồ hôi nhiều hoặc sau khi bơi.

Hạn chế ra ngoài, nhất là trong những giờ nắng cao điểm 10-16h. Mặc quần áo bảo hộ, đội mũ rộng vành, kính râm.

Mọi người thường nhầm lẫn giữa tình trạng phát ban do nhiệt và ngộ độc ánh nắng vì đều xảy ra trong điều kiện nóng ẩm và biểu hiện ngoài da giống nhau. Tuy nhiên, ngộ độc ánh nắng có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể chứ không chỉ những vùng dễ đổ mồ hôi như phát ban do nhiệt và có thể nghiêm trọng hơn nếu không được điều trị.

Người bệnh nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt nếu lú lẫn, ngất xỉu, sốt và ớn lạnh, đau đầu, buồn nôn hoặc nôn mửa, da phồng rộp nghiêm trọng, cháy nắng từ 15% cơ thể trở lên.

Cập nhật: 16/04/2024 VnExpress
  • 119