Số ca mắc sốt xuất huyết còn tiếp tục tăng cao và diễn biến phức tạp. Một trong những nguyên nhân xuất phát từ việc vẫn còn nhiều người dân đang có những ngộ nhận sai lầm.
Dù chưa vào đỉnh dịch sốt xuất huyết như mọi năm (tháng 9-11), hiện tại cả nước đã có trên 80.550 người mắc bệnh, 22 người tử vong, một thai phụ bị sảy thai.
Tại Hà Nội, UBND thành phố vẫn chưa công bố dịch nhưng con số mắc bệnh được ghi nhận là gần 16.000 người mắc. Đây là số người bệnh cao nhất trong 10 năm qua. Đặc biệt, Sở Y tế còn ghi nhận có 7 người chết vì sốt xuất huyết, cao nhất cả nước.
Các chuyên gia nhận định số ca mắc sốt xuất huyết sẽ còn tiếp tục tăng cao theo từng ngày và đến hết thời điểm cuối năm. Đáng lo ngại, bệnh không có vắc xin phòng bệnh và thuốc đặc trị.
Biện pháp hữu hiệu hiện tại là diệt muỗi, bọ gậy. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn còn chủ quan và mơ hồ trong cách phòng tránh sốt xuất huyết.
Tiến sĩ Trần Đắc Phu (Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) cho biết hiện tại người dân có sự nhầm lẫn giữa loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và muỗi gây sốt rét (sống ngoài đường, bờ bụi), viêm não (sống ở chuồng trâu, chuồng bò). Do đó, họ chỉ tập trung tiêu diệt muỗi, bọ gậy ở những vùng ao tù, nước bẩn, mương hẹp. Đây là một sai lầm trong việc phòng chống sốt xuất huyết.
Thực tế: Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết được mệnh danh là "muỗi nhà vua", nó chỉ sinh sản ở nơi nước sạch và ngay trong các bể nước, dụng cụ chứa nước sạch trong nhà như lọ hoa, cốc nước, thậm chí ống nước.
Cần làm: Đậy kín các bể chứa nước sạch, chậu nước. Loại bỏ nước ở các dụng cụ trong nhà như lọ hoa trên bàn thờ, chạn bát, cốc nước,… Không để muỗi có cơ hội đẻ trứng trong nhà, vườn bằng cách vứt hết rác, ống bơ, vỏ hộp, khai quang vườn sạch sẽ.
Việc phun thuốc chỉ có tác dụng nhất thời với những con muỗi trưởng thành đang có nguy cơ hoặc đang nhiễm virus mang mầm bệnh. (Ảnh: Quỳnh Trang).
PGS.TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cũng nhấn mạnh hiện nhiều người dân có tâm lý chủ quan trong việc tiêu diệt muỗi, bọ gậy. Họ cho rằng chỉ cần phun hóa chất diệt muỗi là có thể phòng được sốt xuất huyết.
Thực tế: Việc phun thuốc chỉ có tác dụng nhất thời với những con muỗi trưởng thành đang có nguy cơ hoặc đang nhiễm virus mang mầm bệnh và cách thực hiện là phun sương chứ không phải phun lên tường như diệt muỗi sốt rét nên không có tác dụng lâu dài.
Việc phun thuốc trong thời điểm dịch là rất cần thiết để tiêu diệt nhanh, gọn muỗi, ngăn chặn kịp thời lây truyền. Gốc của vấn đề mang tính chất lâu dài là việc diệt bọ gậy. Nếu không diệt bọ gậy, ngày hôm sau chúng sẽ nở ra thành muỗi và tiếp tục truyền virus gây bệnh.
Cần làm: Người dân phải diệt bọ gậy hàng ngày, thường xuyên, liên tục. Chúng ta cần phải hiểu không có bọ gậy thì không có sốt xuất huyết.
Nhiều người dân cho rằng mỗi người chỉ mắc sốt xuất huyết một lần trong đời nên khi đã từng bị bệnh, họ rất chủ quan. Từ đó, ý thức trong việc phòng tránh căn bệnh này không cao, họ có nguy cơ tái mắc bệnh và gây ảnh hưởng tới nhiều người khác.
Thực tế: Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus Dengue gây ra với 4 type bệnh khác nhau. Một người mắc sốt xuất huyết type nào sẽ miễn dịch suốt đời với loại virus đó, nhưng vẫn có thể mắc sốt xuất huyết lần thứ hai, thứ ba và thứ 4 với các type còn lại.
Theo PGS Dương, Việt Nam cũng như trên thế giới, từ trước đến nay vẫn chỉ có 4 loại virus luân phiên nhau lưu hành là D1, D2, D3, D4, chưa có ghi nhận nào về biến đổi gen hay một chủng nào mới.
Năm nay, toàn miền Bắc type D1 chiếm trên 70%. Hà Nội đặc biệt xuất hiện cùng lúc 3 chủng, nhiều nhất là D1 (gần 71%), D2, và ghi nhận thêm D4. Điều này càng làm tăng nguy cơ số trường hợp mắc bệnh.
Cần làm: Người dân phải luôn tích cực trong việc tiêu diệt muỗi, bọ gậy, làm sạch những nơi muỗi có thể đẻ trứng đồng thời tránh bị muỗi đốt mọi lúc mọi nơi.