Ngồi chỗ nào trên xe an toàn nhất?

  •   34
  • 7.438

Nguy cơ chấn thương trong tai nạn giao thông có thể giảm thiểu đáng kể nếu chúng ta hiểu được các vị trí ngồi an toàn trên xe.

Trên xe buýt

Tốt nhất nên ngồi ở dãy ghế bên phải xe. Với chiều chuyển động giao thông như ở nước ta thì hướng xe chuyển động ngược chiều sẽ ở phía bên trái xe, nên những hành khách ngồi phía phải sẽ có nguy cơ chấn thương ít hơn. Nếu có khả năng thì hãy ngồi quay lưng lại lái xe để tránh lao về trước khi xe phanh gấp. Nếu bạn chỉ đứng dựa vào thành xe thôi thì cũng không nên, dù xe chạy chậm cũng vậy. Chỉ cần một cú xóc bất ngờ là bạn sẽ khó kịp giữ thăng bằng. Hãy đứng rộng chân bằng vai và để trọng lực dồn đều xuống hai chân. Nhìn chung, khu vực nguy hiểm nhất trong xe buýt chính là cửa xe, nếu phải đứng ở vị trí này, bạn nên hết sức cẩn thận.

Trên xe con

Vị trí an toàn nhất trên xe con là phía sau ghế lái, tốt nhất là ở giữa. Kết quả nghiên cứu hàng nghìn vụ tai nạn giao thông cho thấy những người ngồi ở phía sau, giữa xe chỉ bị nguy cơ chấn thương nhẹ hơn đến 60% so với các hành khách còn lại. Ngoài ra, chỉ thật cần thiết mới ngồi phía trước cạnh ghế lái.

Trên xe taxi chuyến

Taxi chuyến có thể nói là dạng phương tiện giao thông có nguy cơ bị chấn thương cao nhất. Chủ yếu do không gian bên trong quá nhỏ so với số người. Vị trí an toàn nhất cho người ngồi trên xe là nằm ở giữa xe, khu vực gần cửa. Đứng trên taxi chuyến có nguy cơ chấn thương cao nhất, vì khả năng giữ thăng bằng yếu, xe không có các điểm bám đặc biệt như trên xe buýut. Vì vậy, nếu thấy xe đã chật, thì tốt nhất nên đợi chuyến sau, không nên mạo hiểm. Còn vị trí ngồi nguy hiểm là ghế sát cửa sổ - khi có sự cố thì rất dễ bị những người khác đè lên, bị thương bởi các mảnh kính vỡ, và rất khó thoát ra ngoài.

Còn khi tai nạn không tránh khỏi

Khi xảy ra tai nạn giao thông, nhìn chung tài xế sẽ đạp phanh gấp, và theo quán tính, cơ thể bạn sẽ lao về phía trước theo chiều chuyển động. Tư thế an toàn nhất trong trường hợp này là quay lưng lại phía tài xế. Chính vì vậy, cố gắng quay lưng lại và nắm chặt vào bất kỳ thứ gì trong tầm tay. Bám chặt lấy ghế, chân bám lấy sàn xe, hơi chùng gối để sẵn sàng “giảm chấn” khi xe va chạm. Còn nếu không có khả năng quay lưng lại tài xế, hãy bám chặt thanh nắm hoặc lưng ghế phía trước. Hãy hiểu rằng vào thời điểm va chạm, tay bạn sẽ phải chịu tải trọng rất lớn để giữ cho người không bị văng đi. Khả năng chấn thương tay, cổ tay rất lớn.

Tất nhiên, nhớ được tất cả những điều này khi xảy ra tai nạn là rất khó, chúng ta chỉ còn biết hy vọng vào phản xạ của mình, và nếu bạn chịu khó rèn luyện thì sẽ có được những hành động cần thiết trong tình huống khẩn cấp. Cách rèn luyện đơn giản nhất là tập thực hiện các thao tác trên trong những trường hợp bình thường, khi xe phanh hơi đột ngột.

M.D

Theo Autonet
  • 34
  • 7.438