Khi mọi người tuân thủ các yêu cầu ở nhà hoặc tự cách ly trong thời gian đầu của đợt bùng phát Covid-19, việc đi làm hằng ngày được “gói gọn” trong phòng ngủ và phòng khách.
Đại dịch đã khiến nhiều người ít vận động hơn. Nghiên cứu được công bố gần đây cho thấy, những người dành thời gian ngồi nhiều hơn trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2020 có khả năng cao gặp các triệu chứng trầm cảm.
Ông Jacob Meyer - Giáo sư trợ lý tại Đại học bang Iowa (ISU) và là tác giả chính của nghiên cứu - cho biết, ngồi là hành vi có thể thực hiện mọi lúc mà không cần suy nghĩ.
Người tham gia cảm thấy sức khỏe tinh thần được cải thiện trong khoảng 8 tuần.
Với tư cách là Giám đốc Phòng thí nghiệm Sức khỏe và Thể dục tại ISU, Meyer và đồng nghiệp đã xem xét hoạt động thể chất và các hành vi ít vận động có liên quan như thế nào đến sức khỏe tâm thần. Họ cũng tìm hiểu về sự ảnh hưởng của những thay đổi đó đến cách mọi người suy nghĩ, cảm nhận và nhận thức thế giới.
Để có được cái nhìn tổng thể, các nhà nghiên cứu đã khảo sát hơn 3.000 người tham gia nghiên cứu ở 50 tiểu bang của Mỹ. Những người tham gia báo cáo đã dành bao nhiêu thời gian để thực hiện các hoạt động, như ngồi, nhìn vào màn hình và tập thể dục.
Họ cũng cho biết những hành vi đó đã thay đổi thế nào so với thời điểm trước đại dịch. Người tham gia đồng thời chỉ ra những thay đổi đối với sức khỏe tinh thần, như trầm cảm, lo lắng, cảm thấy căng thẳng, cô đơn.
“Chúng tôi biết khi nào hoạt động thể chất và thời gian sử dụng thiết bị của mọi người thay đổi. Điều đó liên quan đến sức khỏe tâm thần của họ”, ông Meyer nói.
Dữ liệu khảo sát cho thấy, những người tham gia đã đáp ứng Hướng dẫn hoạt động thể chất của Mỹ (tức là có 2,5 - 5 giờ hoạt động thể chất vừa phải đến mạnh mỗi tuần) trước đại dịch. Song, Covid-19 đã giảm hoạt động thể chất của họ trung bình khoảng 32%. Những người tham gia cũng cho biết họ cảm thấy chán nản, lo lắng và cô đơn hơn.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, người tham gia cảm thấy sức khỏe tinh thần được cải thiện trong khoảng 8 tuần.
“Mọi người đã thích nghi với cuộc sống trong đại dịch. Tuy nhiên, với những người có thời gian ngồi nhiều, các triệu chứng trầm cảm của họ không hồi phục theo cách tương tự người khác”, ông Meyer nhận định.
Ông Meyer bày tỏ hy vọng, sẽ có nhiều người nhận ra rằng, chỉ cần vận động một chút cũng có thể cải thiện tâm trạng và sức khỏe tinh thần. Chuyên gia này khuyến nghị, mọi người nên nghỉ giải lao khi ngồi trong thời gian dài.