Ngôi sao có thể tạo mưa sao chổi hủy diệt Trái Đất

  •  
  • 2.858

Một ngôi sao sắp đâm vào hệ Mặt Trời đang trở thành mối đe dọa hàng đầu đối với Trái Đất trong vòng 10 triệu năm tới.

Dữ liệu do đài quan sát Gaia thuộc Cơ quan Vũ trụ châu Âu chỉ ra ngôi sao cháy sáng Gliese 710 có thể gây ra một trận mưa sao chổi lớn đe dọa sự sống trên Trái Đất, Gizmodo hôm 22/12 đưa tin.

Trong phát hiện công bố trên tạp chí Astronomy & Astrophysics, hai nhà nghiên cứu Filip Berski và Piotr Dybczński ở Đại học Adam Mickiewicz, Ba Lan, tính toán khoảng cách gần nhất giữa ngôi sao và hệ Mặt Trời nhỏ hơn gần 5 lần so với suy đoán trước đây.

Hình minh họa ngôi sao Gliese 710.
Hình minh họa ngôi sao Gliese 710. (Ảnh: ESA).

Nhiều khả năng Gliese 710 sẽ di chuyển qua Đám mây tinh vân Oort, tập hợp các sao chổi và vật thể băng đá bao quanh hệ Mặt Trời. Nếu điều này xảy ra, lực hấp dẫn mạnh của ngôi sao có trọng lượng bằng 60% Mặt Trời này có thể khiến mưa sao chổi đổi hướng và nhắm vào Trái Đất. Dù một số sao chổi trôi dạt trong không gian và một số bị Mặt Trời hoặc hành tinh khác hút vào, các nhà thiên văn cảnh báo rằng Trái Đất hoàn toàn có thể chịu ảnh hưởng lớn.

Theo dự đoán của nhóm nghiên cứu, Gliese 710 sẽ không đến gần Mặt Trời trong vòng 1,35 triệu năm tới. Nằm trong chòm sao Sepens Cauda, Gliese 710 đang ở cách Trái Đất 64 năm ánh sáng. Nếu nó tiến thẳng về phía hệ Mặt Trời, khoảng cách giữa Trái Đất và ngôi sao này sẽ là 1,9 nghìn tỷ km.

Trong lĩnh vực vũ trụ, khoảng cách trên được xem là gần. Những hậu quả khi nó đến gần lớn đến mức Gliese 710 được đánh giá là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với Trái Đất trong 10 triệu năm tới.

"Chúng ta có thể dự đoán ngôi sao có này ảnh hưởng mạnh nhất lên vật thể thuộc đám mây Oort trong 10 triệu năm tới. Vài triệu năm qua, chưng từng có vật thể nào quan trọng như thế đến gần Mặt Trời. Ở khoảng cách gần nhất, ngôi sao sẽ trở thành vật thể sáng nhất và nhanh nhất trên bầu trời đêm. Chuyển động của Gliese 710 sẽ sản sinh ra một lượng lớn những vật thể đi lạc có thể tấn công vành trong hệ Mặt Trời", nhóm nghiên cứu chia sẻ.

Cập nhật: 26/12/2016 Theo VnExpress
  • 2.858