Tại sao không nên ngủ vào thời điểm máy bay cất hoặc hạ cánh?

Ngủ trên máy bay coi chừng... bị điếc
  •  
  • 1.549

Theo lời khuyên từ các chuyên gia, đây là hai thời điểm đặc biệt quan trọng trong chuyến bay và hành khách nên giữ cơ thể được tỉnh táo, không ngủ vào lúc này.

Trên các chuyến bay, để tránh sự mệt mỏi trong chặng bay dài, hầu hết hành khách đều muốn "chìm" vào giấc ngủ sớm nhất. Đặc biệt với chuyến bay dài, điều này hoàn toàn bình thường.

Tuy nhiên, ngủ vào thời điểm máy bay cất và hạ cánh lại không hề tốt cho sức khỏe. Điều này được các chuyên gia lý giải dưới góc độ khoa học.

Một nghiên cứu mới vừa được Trường Y khoa Havard (thuộc Đại học Havard, Mỹ) công bố cho thấy các hành khách trên máy bay có nguy cơ bị tổn thương vĩnh viễn khi sự cân bằng áp suất trong màng nhĩ bị phá vỡ.

Đó là khi chiếc máy bay chở bạn hạ độ cao đột ngột do hạ cánh hay một vấn đề khẩn cấp nào đó.

Đối với hầu hết mọi người, khi máy bay hạ độ cao đột ngột, một cảm giác khó chịu, lùng bùng, ù tai sẽ xâm chiếm đôi tai của bạn. Đó chính là do sự mất cân bằng áp suất.

Hãy đặt báo thức nếu bạn có ý định tranh thủ giờ bay cho một giấc ngủ ngắn
Hãy đặt báo thức nếu bạn có ý định tranh thủ giờ bay cho một giấc ngủ ngắn - (Ảnh: INDEPENDENT).

Thông thường, áp lực lên màng nhĩ có thể được xóa bỏ nhờ việc làm thông suốt một ống mỏng trong tai của bạn - ống Eustachian, giúp cân bằng áp suất.

Bạn có thể tự mở ống Eustachian bằng cách ngáp hoặc nuốt. Nhiều người trong chúng ta có thể thực hiện hai động tác này một cách gần như vô thức khi bắt đầu thấy khó chịu. Đó cũng là lý do trên một số chuyến bay, tiếp viên hàng không cung cấp cho bạn một ít đồ ngọt ngay thời điểm sắp hạ cánh, những món ăn buộc bạn phải nhai và nuốt khi thưởng thức.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng nếu bạn đang ngủ, bạn khó lòng thực hiện kịp thời các hành động tự nhiên giúp giải phóng áp lực, khiến ống Eustachian có thể bị tắc.

Áp suất tác động lên màng nhĩ sẽ nhanh chóng làm tổn thương nó trước khi bạn kịp cảm thấy đau và giật mình tỉnh giấc. Đó có thể là một lỗ rò sâu, khiến máu chảy ra từ tai của bạn và đủ làm bạn mất thính lực. Vì vậy, đừng lười biếng khi nghe thấy tiếng chuông báo thức hoặc thông báo của tiếp viên.

Tình trạng màng nhĩ bị ảnh hưởng bởi thay đổi áp suất cũng thường xảy ra ở thợ lặn và những người lái xe xuống núi với tốc độ cao.

Cập nhật: 08/09/2020 Theo NLĐ/Dân Trí
  • 1.549