Người mắc bệnh bạch hầu nên ưu tiên ăn đồ lỏng, mềm, xay nhuyễn, ăn những thực phẩm đảm bảo vệ sinh. Tránh thực phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, thực phẩm chưa qua chế biến...
Bệnh bạch hầu là do vi khuẩn Corynebacteria diphtheria gây ra. Đây là một căn bệnh nguy hiểm có thể gây tử vong, đặc biệt ở trẻ em nếu không được điều trị.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, khi mắc bệnh bạch hầu, người bệnh thường mệt mỏi, khản tiếng, đau họng dẫn đến chán ăn. Ở một số người, đặc biệt là trẻ em thường khó ăn uống dễ dẫn đến suy nhược, tắc nghẽn đường hô hấp có thể dẫn đến suy hô hấp, thậm chí là tử vong.
Ngoài điều trị tiêu diệt mầm bệnh, ngăn ngừa biến chứng, chống tái phát thì chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân bạch hầu cũng rất quan trọng.
Người bị bệnh bạch hầu cần đảm bảo cung cấp đủ năng lượng, các chất sinh năng lượng, vitamin và chất khoáng tùy theo lứa tuổi. Tiếp tục cho trẻ bú mẹ nếu vẫn trong độ tuổi, không cai sữa lúc này.
Người bị bệnh bạch hầu nên ưu tiên ăn đồ lỏng, mềm, xay nhuyễn - (Ảnh minh họa).
Người trưởng thành nên duy trì BMI (chỉ số khối) của cơ thể ở mức bình thường từ 18,5 - 24,9kg/m2.
Lựa chọn thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng tránh nhiễm khuẩn, nhiễm các loại vi sinh vật khác.
Bệnh nhân bạch hầu cần tránh thực phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, thực phẩm chưa qua chế biến (rau salad, cà chua, xà lách…) hoặc thực phẩm chưa chế biến kỹ (gỏi, tái…).
Ở giai đoạn đầu, do đau họng nên người bệnh bạch hầu thường gặp khó khăn về ăn uống, nuốt, vì vậy nên chia nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày (ăn 5 - 6 bữa/ngày).
Nên ưu tiên ăn đồ lỏng, mềm, xay nhuyễn. Có thể sử dụng cháo, mì, phở. Đối với cháo nên bổ sung thêm 1 thìa dầu ăn nhằm tăng thêm đậm độ năng lượng. Nên sử dụng sữa vào các bữa phụ trong những ngày ăn cháo để bù đủ năng lượng.
Nên sử dụng đồ ăn ở nhiệt độ vừa phải, tránh quá nóng hoặc quá lạnh. Người bệnh ở giai đoạn hồi phục có thể dùng cơm kèm với các món ăn mềm, nhừ, hạn chế xơ sợi. Ngoài ra, nên ăn chậm, nhai kỹ, cố định giờ ăn trong ngày.
Bên cạnh đó, người bệnh bạch hầu nên ngủ đủ 6 - 8 tiếng mỗi ngày. Dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Tránh căng thẳng, stress quá mức.
Hoạt động thể lực cường độ nhẹ, vừa (đi bộ, đạp xe, yoga…) ít nhất 30 phút/ngày. Người bệnh nên tập với cường độ nhẹ rồi tăng dần.
Theo bác sĩ Trần Hồ Trung Tín - Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TP.HCM, khi chăm sóc trẻ bị bệnh bạch hầu cần cho trẻ nghỉ ngơi tuyệt đối và cách ly từ 2 - 3 tuần. Nghỉ ngơi rất quan trọng, nhất là những trường hợp có biến chứng viêm cơ tim.
Ngoài ra, cần vệ sinh răng miệng, mắt, tai, mũi. Vệ sinh da và xoay trở ngừa loét. Tẩy uế các chất bài tiết của người bệnh đúng quy cách.
Cho trẻ ăn thức ăn sệt ở người liệt vòm hầu để tránh sặc. Đảm bảo ăn đủ năng lượng.
Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh bạch hầu. Hiện tại vắc xin bạch hầu thường được bào chế dưới dạng phối hợp với các vắc xin khác giúp phụ huynh tiện lợi trong việc đưa bé đi tiêm ngừa.