Những người tính cách mạnh mẽ, có khả năng đưa ra quyết định dứt khoát trong những tình huống quan trọng, lại dễ bị mắc bệnh trầm cảm, rơi vào tình cảnh tuyệt vọng khi đối mặt với những vấn đề của cuộc sống hàng ngày.
Đây là kết luận rút ra từ công trình nghiên cứu do các nhà khoa học chuyên khoa thần kinh của Đại học Quốc gia St.Petersburg và Phòng thí nghiệm Di truyền So sánh, Viện Sinh lý học, Viện Hàn lâm khoa học Nga tiến hành.
Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu về tâm lý trên chuột. Những con chuột tham gia thí nghiệm bị duy trì trong trạng thái thần kinh căng thẳng liên tục trong ba tháng để theo dõi về hành vi của chúng, tập trung vào ba chỉ số chính là sự lo âu, mức độ trầm cảm và khả năng sống sót.
Ở giai đoạn đầu, các con chuột thử nghiệm được đặt trong lồng có sàn là những thanh đồng. Trước tiên, các nhà khoa học cho phát các tín hiệu âm thanh, sau đó cho dòng điện nhỏ chạy qua các thanh đồng ở sàn lồng. Các con chuột có thể tránh bị điện giật nếu như khi nghe thấy tín hiệu âm thanh chúng chạy qua nửa lồng bên kia.
Ảnh: CNN
Sau hai ngày, các nhà khoa học chọn ra 20 con chuột để tiến hành thí nghiệm tiếp theo, trong đó có những con có chiến lược hành vi tích cực (phản ứng linh hoạt, chạy nhanh khi tín hiệu phát ra nhằm tránh bị điện giật) và số có chiến lược hành vi thụ động.
Trong giai đoạn tiếp theo, các con chuột không được cho ăn và thường xuyên bị lắc trong lồng nhốt là một ống hẹp chứa nước ngọt để xác định mức độ lo âu và căng thẳng do các loài gặm nhấm thường sợ độ cao và không gian mở.
Ban đầu, các con chuột với chiến lược hành vi tích cực và thụ động hầu như không khác nhau về các chỉ số khi càng uống nhiều nước, chúng càng tỏ ra vui vẻ.
Tuy nhiên, sau đó các con chuột có chiến lược hành vi tích cực tỏ ra lo lắng, không thích uống nước ngọt và bám vào ống chứa nước - những dấu hiệu cho thấy chúng bị trầm cảm. Nặng hơn nữa, những con chuột này còn mất khả năng nhận biết.
Sau bốn tuần thí nghiệm, những con chuột thụ động vẫn có thể tiếp tục tham gia thí nghiệm còn những con có chiến lược hành vi tích cực thì không thể. Từ đó, các nhà khoa học kết luận những căng thẳng thường xuyên đối với chuột có chiến lược hành vi thụ động hầu như không gây ra trầm cảm.
Nhóm nghiên cứu khẳng định tính nhạy cảm với bệnh trầm cảm nói chung phụ thuộc vào dạng tâm lý, tức là chiến lược hành vi. Phát hiện có tính quy luật về sự phát triển bệnh trầm cảm do căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày xảy ra ở động vật rất có ý nghĩa đối với việc nghiên cứu tâm lý ở con người nói chung, nhất là nghiên cứu về phương pháp điều trị bệnh trầm cảm hiện nay.