Người đàn ông nhớ tất cả mọi thứ

  •   32
  • 6.220

Bob Petrella, người đàn ông có thể nhớ mọi thứ đã xảy ra trong quá khứ. Tất cả ký ức của ông được ghi lại như những file trong máy tính, có thể dễ dàng lấy ra với sự chính xác tuyệt đối.

Ngày 18/2/1981, đó là thời điểm Bob gặp người bạn Susan Angelo lần đầu tiên, ông vẫn còn nhớ đó là ngày thứ 4 trong khi đó, bạn của ông đã hoàn toàn quên sự kiện này sau hơn 30 năm cuộc đời.

Đối với người bình thường, những ngày được họ ghi nhớ thường vào những dịp đặc biệt như sinh nhật, kỷ niệm hay ngày đoàn tụ gia đình. Nhưng Bob đã được tạo hóa ban cho một khả năng vô cùng đặc biệt, ông có thể nhớ tất cả mọi thứ đã trải qua trong cuộc đời.

Bộ nhớ siêu phàm

Bob, năm nay 62 tuổi là một trong số 4 người ở Mỹ có khả năng đặc biệt: Nhớ tất cả mọi thứ. Hãy đưa cho ông một ngày hoặc một sự kiện nào đó, Bob có thể kể vanh vách những thứ liên quan đến chúng. Điểm đặc biệt của người đàn ông này là khả năng nhớ các sự kiện liên quan đến cuộc sống của người thân thường vượt trội hơn so với những gì chính ông đã trải qua.

Angelo kể lại: “Ông ấy đã gọi cho tôi và tôi thề là vào ngày tròn 6 năm chúng tôi gặp mặt. Tôi nhận được tin nhắn thoại và Bob nói rất hạnh phúc trong ngày kỷ niệm này”. Trong khi đó, Challis, một người bạn khác của ông chia sẻ: “Anh chàng này như người ngoài hành tinh vậy”.

Bob có một cuộc sống hết sức bình thường, ông là nhà sản xuất cho một kênh truyền hình thể thao chuyên về tennis. Tất cả những người biết ông đến thời điểm này đều kinh ngạc trước trí nhớ siêu phàm của Bob.

Người đàn ông nhớ tất cả mọi thứ
Chân dung Bob Petrella, người đàn ông không bao giờ quên

Ông đã kể lại ngày Công nương Diana qua đời: “Đó là vào thứ bảy, ngày 30/8/1997, tôi nhớ rằng mình đang nằm trên ghế sofa ở nhà và xem kênh CNN. Khi đó, không chỉ CNN mà tất cả các kênh đều tràn ngập thông tin về cái chết của Công nương". Thậm chí, người đàn ông đặc biệt này còn nhớ ngày hôm sau, 31/8/1997 có một trận bóng bầu dục giữa 2 đội Steelers và Dallas kết thúc với tỉ số 37-7.

Bộ nhớ lên đến mức vô hạn

Khả năng lưu giữ thông tin của Bob là sự hòa trộn giữa trải nghiệm cá nhân cùng với những sự kiện của công chúng. Với sở thích thể thao, ông nhớ như in từng sự kiện đã theo dõi, bên cạnh đó, các dấu mốc lịch sử như được tự động đưa vào não Bob, ông nhớ chúng một cách tự nhiên.

Đã nhiều người cố gắng tìm hiểu cách hoạt động bộ nhớ của Bob, tiến sĩ James McGaugh, Giám đốc và là người sáng lập ra Trung tâm sinh học thần kinh về trí nhớ của Đại học California (Mỹ), nói: “Chúng tôi không biết vì sao Bob có thể làm được điều đó và muốn khám phá điều bí ẩn này”.

Bob cùng với một số người có trí óc đặc biệt khác ở Mỹ đã được mời đến trung tâm để nghiên cứu. Trải qua quá trình tìm hiểu, tiến sĩ James cho biết: “Đây không phải là những cỗ máy học tập và nhớ chi tiết. Đây là không phải là những người có thứ gọi là trí nhớ. Tất cả họ đều trải qua những sự kiện cá nhân và không thể quên được chúng”.

Các chuyên gia đã đưa ra 60 câu hỏi cho các ứng viên, đây là những câu hỏi chỉ dành cho những người có trí nhớ cực tốt và Bob đã vượt qua hoàn toàn. Một trong số đó là: “Ngày, tháng, năm và địa điểm xảy ra vụ thảm sát của nhóm du kích Palestine nhằm vào các vận động viên Israel”. Bob đã trả lời nhanh chóng khiến chuyên gia Đại học California choáng váng khi trả lời: “Ngày 5 tháng 9 năm 1972 tại Munich, Đức”.

Tiến sĩ James cho biết, đa số những người được tham gia vào nghiên cứu đều thuận tai trái, hoặc có xu hướng thuận tay trái – làm tất cả bằng tay trái trừ viết. Họ cũng là những người có thể bị ám ảnh sâu sắc về những điều đã chứng kiến. Ông nói: “Họ lưu giữ được rất nhiều thứ và tiết kiệm được một khoản khá lớn. Tôi cá rằng, nếu thế giới ai cũng như họ thì các Cty hay tổ chức triển lãm tranh ảnh sẽ không bao giờ phát tài được”.

Trả lời phỏng vấn báo ABC News, Bob nói: “Tôi luôn giải thích cho mọi người có thể hiểu rằng, dường như có một chiếc camera luôn được gắn trên vai tôi và ghi lại những gì đã trải qua. Khi được hỏi đến một sự kiện nào đó, tôi chỉ cần ngồi lại, dở những đoạn băng cũ ra có thể nói chính xác những gì đã xảy ra vào thời điểm đó, ngay từ trong tâm trí của tôi”.

Người đàn ông nhớ tất cả mọi thứ
Bob Petrella chụp ảnh cùng bạn

Bộ nhớ như một ổ cứng máy tính

Tất cả những gì được lưu lại trong bộ nhớ của Bob đều hoàn toàn không chủ ý. Bob có thể nhớ chính xác thứ, ngày, tháng khi ông phải đeo kính cận lúc 5 tuổi, kể từ thời điểm đó, cũng là lúc người đàn ông đặc biệt này có thể nhớ tất cả những gì xảy ra trong các lần sinh nhật của mình.

Bob nói: “Tôi nhớ tất cả mã PIN các thẻ ATM của mình. Ngày 24/9/2006, tôi bị mất điện thoại, điều này có thể là ác mộng với mọi người khi hàng trăm danh bạ lưu trong đó cũng mất theo, nhưng điện thoại của tôi không lưu bất cứ số nào, tất cả đều được nhớ trong đầu”.

Ông thừa nhận bộ óc của mình giống như một ổ cứng máy tính, khi mà có thể loại bỏ những ký ức không tốt khi Bob tình cờ chứng kiến một tình huống xấu nào đó.

Tuy nhiên, thiên tài cũng có lúc sai lầm. Ít ai có thể tưởng tượng được, người đàn ông có trí nhớ siêu phàm này đôi khi lại đãng trí một cách khó hiểu. Ông có thể bước vào một căn phòng rồi mới giật mình tự hỏi tại sao mình đến đây hoặc thản nhiên trở về nhà từ cửa hàng ăn tối mà quên mất chiếc xe đang đỗ ngoài cửa của mình.

Bob cho biết: “Tôi luôn có một trí nhớ tuyệt vời nhưng không bao giờ thích quảng cáo hay khoe khoang về nó. Mọi người thường nghĩ tôi mắc phải một hội chứng có tên Savant, khi được sở hữu trí nhớ tuyệt vời từ đấng tối cao. Hoặc đơn giản hơn, họ nghĩ tôi nói dối về khả năng của mình”.

Theo Báo Nông Nghiệp Việt Nam
  • 32
  • 6.220