Những người không hài lòng với cuộc sống có xu hướng dành nhiều thời gian rỗi để ngồi trước màn hình tivi, trong khi người rất hạnh phúc thích đọc sách báo và tham gia các hoạt động xã hội.
John P. Robinson và Steve Martin - hai tiến sĩ xã hội học thuộc Đại học Maryland (Mỹ) - muốn tìm hiểu về những hoạt động mang đến cảm giác hạnh phúc cho con người. Họ phân tích dữ liệu từ những nghiên cứu xã hội học từ năm 1975 tới 2006. Những công trình này có khoảng 30 nghìn người trưởng thành tham gia và được chia thành hai nhóm.
|
(Ảnh: Daylife.com) |
Nhóm thứ nhất gồm những nghiên cứu về cách sử dụng thời gian trong một ngày của con người. Các nhà khoa học yêu cầu người tham gia liệt kê những hoạt động mà họ thường thực hiện trong một ngày và mức độ thỏa mãn khi họ thực hiện những hoạt động đó.
Nhóm thứ hai gồm những cuộc thăm dò ý kiến dư luận về cảm giác thỏa mãn của con người trong cuộc sống. Đối tượng tham gia được hỏi về mức độ hạnh phúc, cách họ sử dụng thời gian và một số câu hỏi khác. Những câu hỏi này không đổi trong suốt nhiều năm.
Từ kết quả phân tích, hai nhà nghiên cứu nhận thấy những người cho rằng họ có cuộc sống hạnh phúc có xu hướng dành nhiều thời gian rỗi để đọc sách báo, thăm bạn bè, tham gia các hoạt động xã hội. Ngược lại, những người không hạnh phúc dành rất nhiều thời gian rỗi để xem tivi.
Cụ thể, thời gian xem tivi của người không hạnh phúc nhiều hơn người rất hạnh phúc khoảng 20% (sau khi đã tính tới trình độ học vấn, thu nhập, tuổi tác và tình trạng hôn nhân của các đối tượng tham gia). Phần lớn người tham gia cho rằng xem tivi là hoạt động dễ dàng nhất trong ngày, bởi họ không phải ra khỏi nhà, mặc quần áo, tiêu tiền, vạch kế hoạch và nhiều việc khác.
51% người không hạnh phúc cảm thấy họ có quá nhiều thời gian rỗi, trong khi tỷ lệ này ở người rất hạnh phúc là 19%. Cả hai nhóm đối tượng đều thừa nhận rằng có quá nhiều thời gian rỗi song không biết phải làm gì là một trong những vấn đề nghiêm trọng.
"
Giống như nhiều hoạt động gây nghiện khác, xem tivi có thể mang đến cho chúng ta sự thỏa mãn nhất thời, nhưng sau đó nó để lại cảm giác hối tiếc. Những người nghiện tivi có xu hướng gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống cá nhân và cuộc sống xã hội. Đối với những người đó, tivi có thể trở thành công cụ giúp họ quên thực tại", Steve Martin kết luận.