Người may mắn sống sót 60 tiếng dưới đáy Đại Tây Dương trước khi được thợ lặn giải cứu

  •   3,73
  • 3.223

Anh Harrison Ogjegba Okene đã sống sót trong một vụ đắm tàu với một chai nước ngọt có ga và một khoang không khí còn sót lại sau thảm họa thương tâm.

Chắc chắn đây là một trong những câu chuyện hi hữu nhất về sống sót trong một vụ chìm tàu ngoài biển: người đàn ông đã sống gần 3 ngày trong một con tàu đắm dưới đáy Đại Tây Dương.

Tháng năm năm 2013, một con tàu với thủy thủ đoàn 12 thành viên đang rẽ sóng ngoài khơi Nigeria. Biển động đột ngột, đánh chìm con tàu xấu số lúc 4 giờ 30 phút sáng. Anh Harrison Okene, đầu bếp trên tàu, đang trong phòng tắm thì thuyền lật, chìm thẳng xuống đáy Đại Tây Dương. Đa số những thành viên khác bị kẹt lại trong phòng ngủ của mình, không ai sống sót được qua thảm kịch này.

Anh Harrison Ogjegba Okene.
Anh Harrison Ogjegba Okene.

Anh Okene, trên người chỉ mỗi cái quần đùi, đã bị quăng quật mạnh khi con thuyền lật úp. "Tôi choáng váng khi bị quăng quật trong bóng tối, tại cái diện tích chật hẹp của nhà vệ sinh", anh kinh hoàng kể lại. Thế như Harrison Okene vẫn may mắn hơn những người khác, anh vẫn có thể thoát ra ngoài. Anh lần tới được phòng kĩ thuật và may mắn thay, nơi đây vẫn còn chút không khí sót lại.

Con thuyền đã nằm im dưới đáy nước sâu 30 mét, anh Okene có một cái quần đùi che thân trong căn phòng lạnh lẽo và tối tăm, không thức ăn nước uống, oxy thì đang giảm dần, cơ hội sống sót của anh gần chạm con số 0.

Okene lần tới được phòng kĩ thuật và may mắn thay, nơi đây vẫn còn chút không khí sót lại.
Okene lần tới được phòng kĩ thuật và may mắn thay, nơi đây vẫn còn chút không khí sót lại.

Thế nhưng anh vẫn có thể tự mình kể lại câu chuyện này tức là anh đã sống sót! Như một điều hiển nhiên, tất cả những người kẹt dưới đáy biển nhưng vẫn toàn vẹn trở về đều có những câu chuyện để đời để kể lại. Trong đống đồ tìm đến được chỗ anh Okene, có một chai nước ngọt có ga và một cái áo phao chứa hai cái đèn pin nhỏ.

Hai cái đèn pin không thể tiếp tục chiếu sáng chỉ sau chưa đầy 1 ngày sử dụng. Trong bóng tối, anh vừa cầu nguyện, vừa nghĩ đến người thân và gia đình, nhớ lại giây phút hoảng loạn của tàu đang chìm, những tiếng gọi cuối cùng của các đồng nghiệp trước giờ phút định mệnh. Giữa bốn bề lặng thinh, anh thỉnh thoảng nghe thấy những âm thanh quái lạ của biển cả.

Đến ngày thứ ba, khi mà những giọt Coca cuối cùng tan biến theo hi vọng trở về của Okene, thì anh nhìn thấy ánh sáng le lói cùng với bong bóng khí nổi lên tại chỗ mình đang đứng. Anh biết đó là một thợ lặn, nhưng đáng ngại là họ đang ở phía khác của khoang tàu này.


Giữa bốn bề lặng thinh, anh thỉnh thoảng nghe thấy những âm thanh quái lạ của biển cả.

"Anh ấy bơi vào nhanh quá, tôi thấy ánh sáng đèn nhưng trước khi có thể bơi tới chỗ anh, anh thợ lặn đã quay ra mất rồi. Tôi cố gắng đuổi theo trong làn nước tối nhưng không thể theo dấu anh ấy, nên đã phải quay lại". Lúc này, thợ lặn của một công ty Hà Lan đang cố gắng lấy về xác của những thủy thủ xấu số, họ đã tìm thấy được 4 người trước khi chạm trán anh Okene.

Khi có thợ lặn quay lại, Okene đã cố gắng bơi tới để xin cứu. "Tôi đã gõ nhẹ vào cổ anh ta nên anh ấy rõ ràng đã sợ hãi". Khi anh thợ lặn nhìn thấy tay Okene, anh đã báo lên tàu trên mặt nước rằng có một xác chết tại đây.

"Khi anh ấy đưa tay về phía tôi, tôi đã kéo tay anh ấy", Okene kể lại khoảng khắc vui sướng tột cùng của anh và có lẽ là khoảng khắc giật mình chưa từng có trong đời anh thợ lặn.

Anh Okene dẫn anh thợ lặn về nơi anh đã sống sót suốt 3 ngày qua. "Tôi biết rõ là khi anh ấy đưa nước cho tôi, anh ấy quan sát kĩ xem tôi có phải là người không, rõ ràng là anh ấy quá sợ hãi", Harrison Okene kể lại. Nhóm giải cứu đã lấy nước ấm tạt lên người anh Okene, đeo mặt nạ dưỡng khí cho anh rồi chuyển anh vào một phòng áp suất trước khi cho anh tiếp xúc với không khí bên ngoài.


Đây là video từ mặt nạ của thợ lặn, cho thấy nỗ lực giải cứu người đàn ông may mắn này.

Theo như trang khoa học Live Science đã đăng tải, thì đây là những thứ anh Okene đã phải đối mặt dưới đáy biển.

Những yếu tố vật lý

Theo ước tính của chính anh Okene, khoang không khí anh đã đứng cao chỉ khoảng 1,2 mét. Trung bình, một người bình thường hấp thụ khoảng 10 mét khối không khí mỗi 24 giờ.

Tuy vậy, bởi lẽ anh Okene đang chịu sức ép của đáy biển, nhà vật lý học thỉnh thoảng đi lặn cho vui Maxim Umansky tới từ Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore (LLNL) ước tính rằng khoang không khí của anh Okene đã bị ép xuống 3 lần. Nếu khoang này khoảng 6 mét khối, nó sẽ có đủ không khí cho anh Okene trong 2 ngày rưỡi, khoảng 60 giờ đồng hồ.

Vẫn còn mối nguy hiểm khác, đó là khí CO2 thải ra khi anh Okene hô hấp. Khi nồng độ CO2 đạt 5%, anh Okene sẽ tử vong. May mắn là CO2 có bị nước hấp thụ, và bằng việc quẫy nước, anh Okene đã làm tăng bề mặt nước, qua đó tăng khả năng hấp thụ khí CO2 của nước, may mắn giữ mức CO2 dưới 5%.

Okene được các thợ lặn giải cứu.
Okene được các thợ lặn giải cứu.

Anh đã có thể lịm dần vì mất nhiệt

Một yếu tố đã có thể khiến anh Okene tử vong: thân nhiệt của anh nếu giảm xuống dưới mức 35 độ C, anh sẽ bỏ mạng. Việc mất nhiệt có thể khiến một người bị bối rối hoảng loạn, mất khả năng kiểm soát tứ chi, mất trí nhớ. Khi bị mất nhiệt nặng, một người có thể tử vong. Thậm chí ngay cả khi nước ở nhiệt độ 16 độ C, một người vẫn có thể bất tỉnh trong vòng 2 giờ ngâm mình trong nước.

Nhưng anh Okene lại may mắn lần nữa, khi khoang mà anh đứng khá cao so với đáy biển. Nếu như ở gần sát đáy, anh đã có thể bỏ mạng chỉ sau vài giờ.

Okene rất may mắn lần khi khoang mà anh đứng khá cao so với đáy biển.
Okene rất may mắn lần khi khoang mà anh đứng khá cao so với đáy biển.

Và quan trọng nhất là thợ lặn đã sớm tìm tới anh, hay đúng hơn là 2 người đã tìm thấy nhau.

Khi đã chạm mốc 60 tiếng dưới đáy nước, anh Okene đã gần tới ngưỡng tử vong. "Anh chàng này đã rất may mắn khi có một lượng lớn không khí nằm tại khoang trống này", nhà khoa học Umansky nói. "Anh ấy đã không bị ngộ độc CO2 trong suốt 60 tiếng".

Harrison Okene đã thề rằng không bao giờ quay trở lại biển khơi nữa.
Harrison Okene đã thề rằng không bao giờ quay trở lại biển khơi nữa.

Harrison Okene đã toàn vẹn trở về với gia đình, thế nhưng vợ anh kể rằng anh vẫn thường xuyên gặp ác mộng giữa đêm. Có thể hiểu tại sao lại như vậy: anh là người sống sót duy nhất trong vụ chìm tàu thương tâm, anh đã phải sống sót suốt 60 tiếng đồng hồ trong một khoang tối, thấp thỏm lo sợ giữa làn nước lạnh lẽo, sống sót trở về quả là điều kì diệu.

Anh đã thề rằng không bao giờ quay trở lại biển khơi nữa. Sau một trải nghiệm như vậy, ta hoàn toàn cảm thông với những gì người đàn ông may mắn này đã trải qua.

Cập nhật: 09/07/2018 Theo Trí Thức Trẻ
  • 3,73
  • 3.223