Do mắc một chứng bệnh rối loạn thần kinh hiếm gặp, một phụ nữ trung niên chỉ có thể chạy giật lùi, thay vì tiến về phía trước như người bình thường.
Cô Laura Cattivera, 46 tuổi, đến từ California, Mỹ được chẩn đoán mắc chứng loạn trương lực cơ khu trú (focal dystonia), một căn bệnh ảnh hưởng tới một cơ hoặc nhóm cơ, gây đau co thắt ngoài ý muốn và các tư thế bất thường. Các vận động viên và nghệ sĩ chơi nhạc cụ dễ bị chứng bệnh này nhất do dùng quá nhiều những cơ nhất định trong khi thực hiện một cử động nào đó.
Tuy nhiên, cô Cattivera phát hiện, nếu chạy giật lùi, các cơn đau co thắt sẽ không ngăn cản được việc tập luyện của cô. Người phụ nữ này nhấn mạnh: "Tôi luôn đam mê chạy và không có gì có thể ngăn cản tôi làm việc đó, kể cả căn bệnh rối loạn thần kinh hiếm gặp".
Ảnh: blesk.cz
Chạy là môn thể thao cô Cattivera theo đuổi cả đời. Cô từng thi đấu thành công trong màu áo đội tuyển điền kinh Princeton và thậm chí đủ điều kiện tham gia các cuộc thi tuyển lựa gương mặt đại diện Mỹ dự Olympic năm 1992. Tuy nhiên, năm 1989, cô Cattivera bắt đầu nhận thấy một số đặc điểm thể chất bất thường đang âm thầm gây hại khi cô chạy nước rút.
Trong cuộc thi tuyển vận động viên Olympic, các triệu chứng kỳ lạ khiến Cattivera liên tục đâm sầm vào rào chắn đường đua và cán đích ở vị trí gần cuối. Cattivera kể, sau khi thăm khám "hàng triệu loại bác sĩ khác nhau", chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp vi tính, ... cô rốt cuộc phát hiện rằng, chứng loạn trương lực cơ khu trú khiến chân trái cử động không theo điều khiển và co thắt sang một bên, dẫn đến việc "khổ chủ" không thể chạy theo đường thẳng.
Bệnh loạn trương lực cơ khu trú có thể được chữa trị bằng tiêm Botox, nhằm làm tê liệt cơ bị ảnh hưởng, giúp thuyên giảm các triệu chứng. Tuy nhiên, trong trường hợp của cô Cattivera, các cơ bị ảnh hưởng nằm quá sâu, không thể phân lập để tiêm Botox. Cô cũng đã thử dùng thuốc dành cho bệnh nhân Parkinson, nhưng hiệu quả thuốc mất dần theo thời gian.
Không từ bỏ đam mê chạy, cô Cattivera đã thử nghiệm cả những cách chạy mới, ban đầu là di chuyển theo đường zigzag. Mãi tới khi gặp tiến sĩ Nicholas Szumski, cô mới được khuyên thử kỹ thuật chạy giật lùi hiệu quả.