Sự nghiệp của bà đã rơi vào quên lãng và ngày nay ít người còn nhớ đến, nhưng chính nhà vật lý Joan Curran là người đầu tiên trên thế giới đã phát minh ra công nghệ giúp cho máy bay "tàng hình" trước màn hình radar trong thời kỳ đại chiến tranh thế giới lần thứ II (ĐCTGII). Thành tựu này thực ra như thế nào?
Vào ngày 4 tháng 6 năm 2013 tại thành phố Huntsville (tiểu bang Alabama, Hoa Kỳ), cư dân nơi đây đã thưởng thức một ngày tuyệt vời: bầu trời xanh trong, nhiệt độ ôn hòa. Đúng như những gì bản tin thời tiết đã dự báo.
Nhưng vào lúc diễn ra bữa ăn trưa, các chuyên gia khí tượng đã bắt đầu cảm nhận về một cơn bão đặc quánh trên màn hình radar dự báo thời tiết. Những "đốm nước" mọc lên như nấm trên màn hình radar. Đám mây nước kỳ lạ đã loang khắp thành phố Huntsville lúc 4 giờ chiều.
Nhưng, lạ chưa, người dân vẫn nhìn thấy ngoài cửa sổ là một bầu trời xanh bát ngát. Nguồn gốc của đám bọt nước hóa ra không phải là một sự chơi khăm của thời tiết mà là một đám mây radar, một thứ công nghệ quân sự được sử dụng bởi các quốc gia trên khắp địa cầu ngày hôm nay.
Nguồn cơn của sự vụ kỳ lạ đến từ Redstone Arsenal, chính nơi đây đã quyết định rằng một ngày hè ấm áp là điều kiện hoàn hảo cho một thí nghiệm quân sự như thông lệ.
Tác động của "bẫy" gây nhiễu radar đối với hệ thống thời tiết hiện đại liên quan đến thực tế cuộc đời của một nhà phát minh mà sáng tạo của bà đã bị phủ bóng trong khói mù của một cộng đồng khoa học toàn nam giới chiếm ngự - nó là một thứ truyền thống lỗi thời. Nhà phát minh ra "bẫy" radar là một người phụ nữ tên Joan Curran.
Tên khai sinh là Joan Strothers. Joan đã lớn lên ở Swansea thuộc duyên hải xứ Wales (Anh). Bà đã trúng tuyển và nhập học ở Cao đẳng Newnham (Đại học Cambridge) vào năm 1934. Joan Strothers học vật lý theo một học bổng toàn phần và đam mê chèo thuyền mỗi khi rỗi rãi.
Người phát minh ra công nghệ tàng hình radar, Joan Curran (ảnh nhỏ). (Nguồn: Mraths).
Sau khi hoàn thành các đòi hỏi về học phần vào năm 1938, Joan đã đến Phòng thí nghiệm Cavendish ưu tú của Đại học Cambridge để bắt đầu đeo đuổi học hàm tiến sĩ vật lý. Tại Cavendish, nghiên cứu sinh Joan Strothers đã được phân công làm việc chung với một thanh niên trẻ tên là Samuel Curran.
Trong suốt 2 năm, Joan Strothers hăng say nghiên cứu cùng với nam đồng nghiệp Samuel Curran tại phòng thí nghiệm. Nhưng khi xung đột quốc tế tăng lên ở Châu Âu thì vào năm 1940, cặp đôi đã chuyển sang nghiên cứu về quân sự và kết thúc thời gian nghiên cứu ở Exeter. Cũng ở Exeter, Joan Strothers đã kết hôn với Samuel Curran và đổi sang tên mới là Joan Curran.
Một thời gian ngắn sau đám cưới của họ vào tháng 11, hai vợ chồng nhà Curran bắt đầu làm việc cho Cơ sở nghiên cứu viễn thông (TRE) ngay mùa thu của năm 1940. Bà Joan Curran tham gia vào một nhóm các nhà khoa học được dẫn đầu bởi nhà vật lý kiêm chuyên gia tình báo khoa học quân sự người Anh tên là R.V. Jones nhằm cùng nhau phát triển ra một phương pháp có thể "giấu" máy bay thoát khỏi tầm quét radar của đối phương.
Trong cuốn sách của mình mang tiêu đề "Cuộc chiến tuyệt mật", nhà phát minh Jones Curran đã giải thích ý tưởng ra đời công nghệ tàng hình trước màn hình radar theo một cách hiểu đơn giản nhất: các máy dò radar sẽ đo sự phản xạ của sóng vô tuyến theo một bước sóng nhất định của những vật thể đang tới gần.
Khi nó bật ra, những mảnh kim loại mỏng có thể cộng hưởng với sóng đi tới và cũng tái phản xạ lại sóng. Trong những điều kiện thích hợp, các sóng phản xạ lại cũng có thể tạo ra âm thanh để cảnh báo một vật thể lớn khi trong thực tế không nhìn thấy gì như trong trường hợp "đám mây bọt nước" ở Alabama.
Đặc tính này có nghĩa là vài trăm cái gương phản xạ mỏng có thể phản ứng với nhiều năng lượng phát ra từ máy bay ném bom hạng nặng của Anh. Một tập hợp các dải sóng có thể gây nhiễu và che đậy vị trí chính xác của một máy bay trong một cuộc đột kích đằng sau một đám mây tín hiệu lớn, hay chí ít sẽ khiến cho kẻ địch tin rằng họ đang quan sát một cuộc tấn công lớn khi trong thực tế lại chỉ có 1 hoặc 2 máy bay.
Vào thời điểm diễn ra cuộc tấn công Trân Châu Cảng vào năm 1941, Joan Curran đã có gần một năm tham gia miệt mài vào các thí nghiệm bằng cách sử dụng kim loại để phản xạ tín hiệu radar, bà đã thử vô số kích cỡ và hình dạng kim loại, từ các loại dây đơn đến các tệp kim loại có kích cỡ bằng tờ giấy sổ tay.
Các tệp sắt là một ý tưởng đặc biệt thú vị vì chúng có thể thực hiện một nhiệm vụ kép như các tờ tuyên truyền với văn bản được in trên đó.
Cuộn dây nhôm kim loại mà quân Đồng Minh đã sử dụng để đánh "bẫy radar" được tìm thấy ở Hà Lan vào năm 1944. (Ảnh nguồn: Wikipedia).
Năm 1942, cuối cùng bà Joan Curran đã tạo ra những tấm gương phản xạ với độ dài 25cm và rộng 1,5cm. Những tấm gương phản xạ được làm từ giấy nhôm và được cột lại thành bó nặng cỡ 1 cân Anh và dự định sẽ được máy bay ném ra khi bay gần tới hệ thống radar. Nhà vật lý R.V. Jones nhớ lại: "Khi các máy bay ném bom cùng ném các bó nhôm cứ cách quãng mỗi 1 phút /lần thì nó sẽ tung hỏa mù cho radar, trên màn hình radar sẽ chỉ xuất hiện một đám khói".
Đến năm 1943, dải gương phản xạ đã được đưa vào một thí nghiệm quân sự khi quân Đồng Minh khởi động Chiến dịch Gomorrah ở Hamburg (Đức). Gomorrah là một chiến dịch tàn bạo với vô số các cuộc không kích kéo dài hơn 1 tuần, hủy diệt phần lớn thành phố Hamburg khiến cho khoảng 4 vạn thường dân bị thiệt mạng.
Nhưng trong số 791 máy bay tham gia vào các cuộc không kích lại chỉ có 12 chiếc bị thiệt hại ngay trong đêm đánh bom, do đó chiến dịch này là một chiến thắng tuyệt đối cho quân Đồng Minh, công đầu thuộc về các tấm gương phản xạ của bà Joan Curran.
Hệ thống "bẫy radar" đã dùng làm một phần của kế hoạch nghi binh quy mô lớn diễn ra vào ngày 5 tháng 6 năm 1944 nhằm ngăn ngừa các lực lượng Đức biết vị trí chính xác nơi quân Đồng Minh đổ bộ vào lục địa Châu Âu do Đức Quốc xã (ĐQX) đang nắm quyền kiểm soát.
Được triển khai ngay vào cái đêm lịch sử gọi là D-Day, 2 "bẫy radar" đã được thả xuống, các chiến dịch Taxable và Glimmer đã kết hợp với hàng trăm lính nhảy dù nhằm thu hút sự chú ý của quân Đức về cực Bắc của nước Pháp, vô tình gây xao nhãng đối với cuộc đổ quân tại bãi biển Normandy. Bà Joan Curran đã cho ra đời nhiều công nghệ quân sự và khoa học ở cả Anh và Mỹ.
Bà được nhớ tới như là một nhà nghiên cứu khéo léo và thực sự độc đáo. Nhưng bất chấp những thành tích vẻ vang trong quá khứ thì di sản của Joan Curran để lại cho đời sau vẫn bị xem là nhạt nhòa do thói đời. Thực vậy, bà Joan Curran không có bất kỳ bằng cấp nào do Đại học Cambridge trao, khi bà đã làm tất cả để góp phần làm nên chiến thắng của quân Đồng Minh.
Có một nghịch lý chua xót rằng phụ nữ vào thời đại của Joan Curran đã không được cấp bằng, bất chấp một thực tế rằng bà Joan vẫn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ và vẫn tiếp tục được mời vào các nghiên cứu.
Năm 1987, cuối cùng thì nhà phát minh Joan Curran cũng được trao bằng danh dự Tiến sĩ Luật tại Đại học Strathclyde (Vương quốc Anh). Bà Joan mất vào năm 1999. Trong cáo phó của bà Joan Curran có dòng tưởng thưởng như sau: "Theo quan điểm của tôi, bà Joan Curran đã có đóng góp rất lớn cho chiến thắng của quân đội Đồng Minh thời chiến hơn Sam (những đồng nghiệp nam giới)".
Máy bay C-130 Hercules của Không lực Mỹ trong chuyến huấn luyện tại Khu vực thử nghiệm và đào tạo không quân Nevada vào ngày 17/11/2010. (Ảnh nguồn: Alamy).
Giống như nhiều nhà khoa học nữ đã bị mờ nhạt trong chiều dài của lịch sử, Joan Curran và thành tựu của bà chỉ được thảo luận bởi cánh đàn ông, và chúng cũng chỉ tồn tại trong các công trình của các đồng nghiệp nam giới.
Ngay cả những ngôn từ của riêng bà Joan cũng chưa từng được công bố, chưa được ghi lại trong các buổi phỏng vấn, khiến cho tiếng nói của Joan không thể lưu truyền cho các thế hệ nhà nữ khoa học khác - những người tiếp nối bước chân của bà.
Theo bà Jess Wade, một học giả sau tiến sĩ chuyên nghiên cứu về các trạng thái đặc tại trường Cao đẳng Hoàng gia London (ICL), bà cũng là người sáng tạo ra trang bách khoa toàn thư trực tuyến (Wikipedia) dành cho các nhà nữ khoa học.
Trong một thư điện tử (email), bà Jess Wade viết: "Chúng ta không thể nào biết được rằng có bao nhiêu nhà khoa học nữ cặm cụi làm việc trong các phòng thí nghiệm của những nhà khoa học nam nổi tiếng, hoặc có bao nhiêu khám phá do phụ nữ đóng góp, bởi vì suốt hàng thế kỷ đàn ông đã làm rất tốt cái việc giấu nhẹm thành tích của phụ nữ".
Những tiếng nói tương tự cũng được cất lên từ một trong những tổ chức nghiên cứu tiếng tăm như Sáng kiến khoa học và toán học quốc gia (NMSI, một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận đặt trụ sở ở thành phố Dallas (tiểu bang Texas).
Bà Lauren Little, quản lý truyền thông của NMSI phát biểu: "Điều quan trọng đối với các cô gái trẻ khi họ nhìn thấy các đàn chị lớn tuổi đạt được nhiều thành tựu, sẽ mang đến cho họ hy vọng, sự phấn khởi và khuyến khích họ đạt được các ước mơ".
NMSI chú trọng vào phát triển công tác giảng dạy phù hợp với văn hóa nhằm khuyến khích các nhóm thiếu chuyên nghiệp để đưa chị em phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực khoa học mà họ yêu thích. Những bài giảng dạy bao gồm cả công trình của nhà phát minh Joan Curran.
Trong email, bà Jess Wade viết: "Điều quan trọng ngay từ bây giờ là phải tiếp cận những phụ nữ có ý định làm khoa học, tác động vào gia đình họ và phỏng vấn họ theo nghiệp trước khi quá muộn".
Sau rốt, chúng ta đang ở trong một thời đại mà phụ nữ được đề cao hơn. Họ đang được thừa nhận thông qua một số thành tích. Những tổ chức tiến bộ như 500 nhà khoa học nữ hiện đang làm việc nhằm tăng cường sự đa dạng trong khoa học thông qua các sự kiện nói chuyện công cộng, các hợp đồng tư vấn và hỗ trợ chiến dịch chính trị.
Và những câu chuyện về phụ nữ làm khoa học sẽ được truyền tải thông qua các chương trình truyền hình, phim ảnh và phim tài liệu.
Cuộc đời và sự nghiệp của nhà phát minh Joan Curran có thể không đủ cho một chương trình truyền hình, cũng không đủ tài liệu để viết nên một quyển sách. Nhưng chắc chắn tên tuổi của bà ấy vẫn được đặt trang trọng trong lịch sử vì những thay đổi trong cách thức tiến hành một cuộc chiến trên không trung, và vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến thế kỷ 21.