Người sinh học nhân tạo đầu tiên trên thế giới

  •   52
  • 3.605

Cụm từ "người sinh học nhân tạo" ra đời trong một bộ phim khoa học viễn tưởng ăn khách trên truyền hình hồi những năm 1970, với nhan đề "Người đàn ông 6 triệu USD", khắc họa các cuộc phiêu lưu của Steve Austin, một cựu phi hành gia đã được tái tạo cơ thể bằng những bộ phận nhân tạo sau khi chết.

>>> Video: Người sinh học nhân tạo đầu tiên trên thế giới

Hiện tại, một nhóm kỹ sư của Anh đã lắp ráp một robot, sử dụng các nội tạng, chân tay và những bộ phận nhân tạo khác, nhằm biến ý tưởng "người nhân tạo" thành hiện thực. "Người" nhân tạo là nhân vật chính trong một bộ phim tài liệu của kênh Smithsonian Channel, dự kiến sẽ phát sóng vào ngày 20/10 tới đây.

Với nhan đề "Người điện tử lạ thường", bộ phim mô tả chi tiết nỗ lực của các kỹ sư nhằm lắp ráp một cơ thể hoạt động bình thường nhờ những cơ quan nhân tạo, từ thận tới hệ thống tuần hoàn, ốc tai và võng mạc cấy ghép.

Các bộ phận làm nên sức sống cho robot đặc biệt trên là sản phẩm của 17 hãng sản xuất khác nhau. Và đây là lần đầu tiên chúng được ráp nối với nhau, theo Richard Walker, giám đốc điều hành công ty Shadow Robot và là chuyên gia robot đứng đầu dự án.

"Người sinh học nhân tạo" đầu tiên trên thế giới
Ảnh: news.yahoo.com

Ông Walker nói, robot hiện có 60 - 70% hoạt động chức năng giống con người. Nó sở hữu chiều cao gần 2 mét, có thể đứng, ngồi và bước đi với sự trợ giúp của một máy hỗ trợ di chuyển Rex, thường dùng cho những người mất khả năng đi lại do chấn thương cột sống. Robot cũng có một trái tim hoạt động bình thường, sử dụng một bơm điện tử, đập và luân chuyển máu nhân tạo có chứa oxy như máu người. Trong khi đó, một quả thận nhân tạo, có thể cấy ghép được, đã thay thế nhiệm vụ của một thiết bị thẩm tách hiện đại.

Mặc dù vậy, các chuyên gia thừa nhận, rất nhiều cơ quan trong cơ thể của "người điện tử" khó có thể sử dụng được ở một con người bằng xương, bằng thịt. Chẳng hạn như, quả thận mới chỉ là một vật mẫu. Ngoài ra, robot còn thiếu một số phần trọng yếu như ở cơ thể chúng ta: nó không có hệ tiêu hóa, gan hay da và đặc biệt là bộ não.

Theo nhóm sáng chế, "người sinh học nhân tạo" ra đời dựa theo nguyên mẫu là nhà tâm lý học xã hội Bertolt Meyer, 36 tuổi thuộc Đại học Zurich (Thụy Sỹ), người sinh ra không có một phần cánh tay trái và phải gắn tay giả điều khiển điện tử. Mặt của "người sinh học nhân tạo" được tạo ra nhờ kết quả quét 3D khuôn mặt của anh Meyer.

"Chúng tôi muốn chứng minh rằng, công nghệ có thể cung cấp các bộ phận giả, có tính thẩm mỹ cao dành cho những người đã mất mát một phần mặt, chẳng hạn như mũi, do tai nạn hoặc ung thư", một thành viên nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.

Các kỹ sư lắp ráp tiết lộ thêm rằng, "người sinh học nhân tạo" của họ có chi phí lắp ráp rẻ hơn "người anh em" 6 triệu USD trong phim khoa học viễn tưởng. Mặc dù các bộ phận dùng trong thử nghiệm đều được hiến tặng, nhưng tổng giá trị của chúng vào khoảng 1 triệu USD.

Theo Vietnamnet, AP
  • 52
  • 3.605