Người ta làm gì với thảm cỏ nhân tạo bỏ đi?

  •  
  • 1.704

Thảm cỏ nhân tạo hiện phổ biến khắp thế giới. Tuy nhiên một điều ít ai để ý là xử lý những thảm cỏ hư hỏng, hết đát ra sao để không hại đến môi trường?

Trong khi đó, một trong các thành phần của thảm cỏ nhân tạo là những miếng cao su li ti có khả năng tồn tại hàng trăm năm, có thể hạn chế sự sinh trưởng của cây trồng, làm giảm độ màu mỡ của đất...

Cỏ nhân tạo trong một sân vận động tại Mỹ
Cỏ nhân tạo trong một sân vận động tại Mỹ - (Ảnh: GETTY IMAGES).

Nhà sản xuất cũng "né"

Khoảng 30 năm trước, nước Mỹ đau đầu với phương pháp tái chế các vỏ xe đã qua sử dụng với hàng triệu chiếc ngoài tự nhiên, có cả ở những nơi xa xôi như hẻm núi, vực sâu, rừng rậm.

Lúc này, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) bắt đầu vào cuộc nghiên cứu hướng tái chế vỏ xe đã qua sử dụng.

Một hướng mới và tiềm năng nổi lên là nghiền nhỏ vỏ xe làm thành các thảm cỏ nhân tạo, từ đó tạo nên một cuộc cách mạng cho hoạt động thể dục thể thao trên toàn thế giới.

Với những ưu điểm như không tốn thuốc trừ sâu, phân bón hay cắt tỉa hằng ngày; thời gian sử dụng dài (trung bình từ 8-10 năm), ngày nay cỏ nhân tạo được dùng rộng rãi nhiều nơi, trong đó có Việt Nam, không chỉ cho các hoạt động thể thao mà còn dùng trang trí hay làm "nhà" cho thú cưng.

Các thảm cỏ nhân tạo đã qua sử dụng ở Franklin, Massachusett
Các thảm cỏ nhân tạo đã qua sử dụng ở Franklin, Massachusetts - (Ảnh: BOSTONGLOBE).

Theo Hiệp hội cỏ nhân tạo Mỹ, số lượng sân thể thao cỏ nhân tạo ở nước này hiện vào khoảng 12.000-13.000 sân, với mức tăng 1.200-1.500 sân mới mỗi năm. Và hàng năm lại có 750 sân cần phải thay mới thảm cỏ nhân tạo, tốn khoảng 330 triệu bảng Anh.

Với số lượng nhiều như thế, việc tái chế các thảm cỏ nhân tạo đang là bài toán nan giải. Theo The Atlantic, cả 7 doanh nghiệp sản xuất cỏ nhân tạo lớn nhất ở Mỹ khi được nhóm nghiên cứu đặt câu hỏi về cách thức xử lý số cỏ hư hỏng đều từ chối trả lời.

Chỉ có thể… vứt bỏ

Những thảm cỏ nhân tạo bỏ đi có thể gây nguy hại cho hệ sinh thái
Những thảm cỏ nhân tạo bỏ đi có thể gây nguy hại cho hệ sinh thái - (Ảnh: DENNIS ANDERSEN).

Hiện tại chỉ có một cách xử lý cỏ nhân tạo là… vứt bỏ. 

Vào tháng 7-2018, người dân ở hạt Montgomery (bang Albama, Mỹ) phát hiện xe chở rác địa phương đem bỏ các thảm cỏ nhân tạo cũ tại một công viên cách đó hơn 70km.

Một năm sau, khu công viên này chứa đầy cỏ nhân tạo cũ và những miếng cao su li ti vương vãi khắp các gốc cây.

Ở thị trấn Franklin, bang Massachusetts, khu tập kết rác thải cỏ nhân tạo nằm gần khu vực đầm lầy, cũng là nguồn nước cho thị trấn, đặt ra những mối quan ngại về sức khỏe trong vùng.

Trong khi đó, California hiện chiếm khoảng 10% lượng cỏ nhân tạo ở Mỹ. Dù là một trong những địa phương tiên phong trong các chiến dịch tái chế, California cũng đau đầu với việc làm gì với số cỏ nhân tạo bỏ đi.

Những miếng cao su nhỏ rất khó phân hủy trong các thảm cỏ nhân tạo
Những miếng cao su nhỏ rất khó phân hủy trong các thảm cỏ nhân tạo - (Ảnh: BONSTONGLOBE).

Theo nghiên cứu của tổ chức FairWarning, loại rác thải này có khả năng tồn tại hàng trăm năm. Khi bị đổ ra đất, những miếng cao su li ti trong lớp cỏ nhân tạo có thể hạn chế sự sinh trưởng của cây trồng, làm giảm độ màu mỡ của đất.

Hiện tại, một trong các hướng xử lý thảm cỏ nhân tạo là tách biệt các thành phần trong chúng (nhựa, cát, sỏi…) ra và tái chế từng loại. Tuy nhiên, quá trình phân loại này rất tốn kém và người ta vẫn chưa biết sẽ dùng những miếng cao su nghiền nhỏ này để làm gì.

Rác thải cỏ nhân tạo ở Maryland, Mỹ
Rác thải cỏ nhân tạo ở Maryland, Mỹ - (Ảnh: AMANDA FARBER).

Dennis Andersen - giám đốc công ty tái chế Re-Match ở Đan Mạch - cho biết nhóm đang xây dựng một nhà máy đặc biệt có thể tái chế các thảm cỏ nhân tạo thành một loại nguyên liệu hữu ích. Theo Andersen, hướng đi này có thể tái chế đến 99% lượng rác thải này, tuy nhiên hiện chưa thể tiết lộ vì lý do kinh doanh.

Trong khi đó, Mary Lehman - thành viên hội đồng lập pháp bang Maryland - cho biết đang vận động để đưa vấn đề quản lý cỏ nhân tạo vào các điều khoản luật môi trường của bang, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ xử lý loại rác này sau khi không còn sử dụng.

Mary Lehman cho biết có thể sẽ giao trách nhiệm này cho các nhà sản xuất. "Không thể không có người chịu trách nhiệm vấn đề này", Mary Lehman nói.

Cập nhật: 25/12/2019 Theo Tuổi Trẻ
  • 1.704