Sản vật của Việt Nam được đánh giá có chất lượng tốt nhất thế giới và có tác dụng "trẻ mãi không già".
Câu chuyện thứ nhất, Triều Tiên vương triều thực lục chép rằng, Triều Tiên thường mua hương liệu dược liệu từ An Nam (tên gọi trước đây của Việt Nam) thông qua Trung Quốc. Vì Triều Tiên thiếu lang y và dược liệu nên từ đời Tống, nước này đã có thông lệ mời lang y và nhập thuốc từ Trung Quốc. Các triều đại Minh - Thanh cũng không ngoại lệ. Quan thư trạng (người làm nhiệm vụ ghi lại lịch trình, sự việc của sứ đoàn) Triều Tiên từng thảo luận với các quan viên Trung Quốc về các dược liệu như quế, hoắc hương, cánh kiến trắng sản sinh ở vùng đất nào thì cho chất lượng tốt nhất, cuối cùng hai bên nhất trí rằng, An Nam là tốt nhất.
Quan thư trạng thưa rằng: "Dược liệu của tiểu bang đều phụ thuộc vào thượng quốc. Mỗi năm sau khi thương thảo xong giá cả, sẽ tùy theo nhu cầu y viện trong nước mua về. Nhất là hai loại quế và hoắc hương, các cửa hàng có bán nhưng đều không phải loại tốt. Hai loại này, đều sinh trưởng ở phương Nam, quế Giao Chỉ là tốt nhất, hoắc hương An Nam số 1 (đều chỉ Việt Nam). Đúng không?"
Viên quan Trung Quốc trả lời: "Quế sinh trưởng ở Giao Chỉ, cánh kiến trắng sản sinh ở An Nam. Hai loài này là tốt nhất. Sách Bản thảo ghi:" Quế bắt lửa sẽ trở lại hương vị ban đầu, ngọt mà thơm". Hiện nay, phủ Tuần Châu, tỉnh Quảng Tây có nhiều loại này nhưng vị cay, kém xa so với Giao Chỉ...".
Quế Thanh Hóa được đánh giá cao trên thế giới. (Ảnh: Getty).
Câu chuyện thứ hai, Đại Việt sử ký toàn thư kể rằng, vào tháng 4, năm Kỷ Dậu (1789), Ngô Thì Nhậm dẫn đầu đoàn sứ thần Tây Sơn sang Quảng Tây, viên quan nhà Thanh là Thang Hùng Nghiệp đã trả lại cho đoàn những tặng phẩm mà vua Quang Trung tặng Thang trước đó, nhưng lại đòi khi chính thức nộp cống phẩm phải đưa sang nhà Thanh bốn hoặc hai con voi và quế Thanh Hóa. Về quế, Thang nói rõ quế đem sang cống phải là quế Thanh Hóa to và dày.
Quế là phần thu được từ lớp vỏ thân cành của một số loài thực vật thuộc chi Cinnamomum, họ Long não, có vị cay, mùi thơm, được dùng để làm thuốc chữa bệnh và gia vị trong chế biến thực phẩm.
Chúng được thu hoạch bằng cách cuộn thành dải và phơi khô, vỏ càng gần tâm của thân cây thì chất lượng của quế càng tốt.
Quế, nhân sâm và nhung hươu là ba vị thuốc quý hàng đầu cho sức khỏe, được y học cổ truyền Trung Quốc từ xa xưa coi trọng. Các ngự y của triều Thanh đã sử dụng quế như một cống phẩm để chuẩn bị các công thức nấu ăn cho Hoàng đế Càn Long, Từ Hi Thái hậu, từ đó đã dệt lên giai thoại dưỡng sinh trường thọ. Hơn 2000 năm lịch sử ứng dụng cung đình đã chứng minh rằng, sử dụng quế lâu dài có thể bổ thận, dưỡng khí, xua tan phong hàn, dưỡng não, an thần, là báu vật mà giới quý tộc dùng để bồi bổ sức khỏe.
Chúng phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới ẩm như ở miền Nam Trung Quốc, Lào, Indonesia hay Việt Nam. Ở Việt Nam, quế Thanh (cách gọi ngắn gọn của quế Thanh Hóa) là nổi tiếng hơn cả.
Theo Từ điển Tiếng Việt, quế Thanh cao 10 - 20 m, cành non có 4 cạnh, dẹt, nhẵn. Lá dài, hình trứng hẹp hai đầu, có 3 gân chạy dọc từ cuống đến đầu lá, mặt dưới có vảy nhỏ, phiến lá dài 12 - 15cm, rộng 5 cm. Hoa trắng, mọc thành chùy ở đầu cành hay kẽ lá. Quả hình trứng dài 1 cm, lúc non màu xanh lục, khi chín màu nâu tím, mặt quả bóng phần cuống ở sát đế có lông. Quế thanh mọc thành rừng ở Trịnh Vạn (thuộc huyện Thường Xuân, Thanh Hoá), được coi là loại tốt nhất. Ngoài ra còn được trồng, sinh trưởng và phát triển tốt ở Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh... Có thể trồng bằng gieo hạt hay chiết cành, hoặc đào cây non từ rừng về trồng. Sau 5 năm có thể bóc vỏ, nhưng để càng lâu càng tốt (10 - 30 năm trở lên). Bóc vỏ vào tháng 4 - 5 và tháng 9 - 10.
Tại Mỹ, quế Thanh được đánh giá cao hơn quế Trung Quốc, Indonesia, Sri Lanka.
Theo Khoa học chế biến thuốc Trung Quốc (Trương Hiền Triết và Thái Quế Hoa biên tập), quế Thanh Hóa có hàm lượng dầu thơm lớn, để lâu không bị cô đọng lại, cùi thịt mịn như ngọc nên còn gọi là “quế ngọc Thanh Hóa”, thuộc loại thượng phẩm trong các loại quế.
Tại Trung Quốc, quế vừa là một loại gia vị vừa là một vị thuốc tốt, được mệnh danh là i Từ thời Tây Chu, nó đã được coi là thuốc quý. Thần Nông bản thảo kinh mô tả: "Quế có công dụng chữa bách bệnh..., dùng lâu thông kinh hoạt lạc, cơ thể trẻ mãi không già". Thời xa xưa tại Trung Quốc, ngay cả lương của người dân cũng được trả bằng một lượng quế cố định, và người ta thường dùng quế để trả tiền thuê nhà. |