Nguy cơ Mặt trăng bị "chia phần" giữa một số cường quốc

  •  
  • 625

Mặt trăng là di sản chung của nhân loại, nhưng các chuyên gia lo ngại với khoảng trống lớn về pháp lý, các cường quốc có thể cạnh tranh giành tài nguyên trị giá hàng trăm tỷ USD trên thiên thể này.

Năm 1966, tàu đổ bộ Luna 9 của Liên Xô hạ cánh thành công xuống Mặt trăng. Đây là thiết bị thám hiểm đầu tiên của con người hạ cánh mềm thành công xuống một thiên thể khác.

Hoạt động của tàu đổ bộ Odysseus trên Mặt trăng, ngày 22/2/2024.
Hình ảnh do Intuitive Machines cung cấp về hoạt động của tàu đổ bộ Odysseus trên Mặt trăng, ngày 22/2/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ba năm sau, thế giới chứng kiến cuộc đổ bộ lịch sử của 3 phi hành gia Neil Armstrong, Buzz Aldrin và Michael Collins của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) trên tàu Apollo 11 đáp xuống Mặt trăng, thực hiện “bước tiến vĩ đại của loài người".

Kể từ khi cuộc đua chinh phục vũ trụ khởi động đầu thập niên 50 của thế kỷ trước, đã có hơn 75 sứ mệnh khám phá Mặt trăng được thực hiện thành công.

Mới đây, tàu vũ trụ Thường Nga-6 (Chang'e-6) của Trung Quốc đã rời bề mặt Mặt trăng, mang theo các mẫu vật thu thập được từ vùng khuất của vệ tinh tự nhiên lớn thứ năm trong Hệ Mặt trời này.

Đây là một thành tựu chưa từng có trong lịch sử thám hiểm Mặt trăng của nhân loại.

Tháng 8/2023, Ấn Độ trở thành quốc gia thứ tư trên thế giới đưa tàu đáp xuống Mặt trăng, song là quốc gia đầu tiên có tàu thám hiểm hạ cánh xuống cực Nam của Mặt trăng.

Giới chuyên gia cho rằng cuộc đua đổ bộ lên Mặt trăng sẽ tiếp tục sôi động, dự báo trong thập niên tới thế giới sẽ chứng kiến nhiều sứ mệnh khám phá Mặt trăng.

Với nhiều lợi thế về khoảng cách, các yếu tố vật lý như lực hút và nguồn năng lượng Mặt trời, tài nguyên..., Mặt trăng được cho là "chìa khóa" để các nước giành ưu thế trong không gian gần Trái đất.

Hiệp ước Mặt trăng năm 1979 nêu rõ không một phần nào của Mặt trăng sẽ trở thành tài sản của bất kỳ quốc gia, tổ chức hoặc của bất kỳ cá nhân nào. Nói cách khác, đây là di sản chung của nhân loại.

Tuy nhiên, hiệp định này chưa được cường quốc không gian nào thông qua. Với một khoảng trống lớn về pháp lý như vậy, các cường quốc có thể cạnh tranh giành tài nguyên trên Mặt trăng.

Sáng 2/6/2024, tàu Thường Nga-6 của Trung Quốc đã hạ cánh xuống phần tối của Mặt trăng
Sáng 2/6/2024, tàu Thường Nga-6 của Trung Quốc đã hạ cánh xuống phần tối của Mặt trăng, và lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại tiến hành thu thập mẫu vật tại khu vực hiếm khi được khám phá này. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo ước tính, kho tài nguyên trên vệ tinh này có thể đạt giá trị hàng trăm tỷ USD.

Mặt trăng có nhiều tài nguyên và khoáng chất quý giá như đất hiếm, Heli-3, bạch kim, palladium, rhodium, titan...

Bên cạnh đó, cực Nam của Mặt trăng - nơi được cho là có băng nước – trở thành "bến đỗ" tiềm năng của các quốc gia. Từ băng đá có thể thu được nước, rồi từ nước có thể tách được khí oxy.

Cả hai đều là những điều kiện tiên quyết cho phép con người lưu lại lâu dài trên Mặt trăng.

Nếu có thể tiếp cận với băng nước đó, các quốc gia sẽ thiết lập được một “trạm xăng” trong không gian để làm “bàn đạp” tiến đến các thiên thể khác của Hệ Mặt trời như Sao Hỏa.

Những tiến bộ trên hành trình chinh phục Mặt trăng sẽ mở ra những khám phá khoa học mới, cơ hội kinh tế và đổi mới công nghệ, hứa hẹn mang lại lợi ích cho nhân loại cũng như thế hệ mai sau.

Nhưng giới chuyên gia cũng không ít lần cảnh báo về nguy cơ Mặt trăng sẽ bị "chia phần" giữa một số cường quốc, hay nguy cơ quân sự hóa Mặt trăng, biến nơi này thành căn cứ quân sự, hoặc nơi sản xuất và triển khai vũ khí nguy hiểm.

Trong khi đó, do nhiều bất đồng giữa các cường quốc, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chưa thể thông qua các nghị quyết kêu gọi ngăn chặn hoàn toàn việc triển khai vũ khí ngoài không gian để đảm bảo mục tiêu sử dụng hòa bình không gian vũ trụ.

Hiện, Mỹ và Trung Quốc, hai cường quốc dẫn đầu lĩnh vực không gian vũ trụ, tiếp tục thúc đẩy các dự án lớn.

Mỹ đang đẩy nhanh chương trình Artemis với mục tiêu đưa con người trở lại Mặt trăng, dự kiến thực hiện sứ mệnh Artemis II vào cuối năm 2024.

Tàu đổ bộ Odysseus của Mỹ di chuyển theo quỹ đạo Mặt trăng trong sứ mệnh IM-1
Tàu đổ bộ Odysseus của Mỹ di chuyển theo quỹ đạo Mặt trăng trong sứ mệnh IM-1 ngày 21/2/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc cũng đang có những bước tiến mạnh mẽ nhằm đưa người lên Mặt trăng trước năm 2030.

Một số quốc gia khác như Anh, Đức, Italy, Pháp, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất, Israel cũng lên kế hoạch thám hiểm không gian và Mặt trăng trong tương lai gần.

Trong bối cảnh đó, câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để đảm bảo các hoạt động này được tiến hành một cách an toàn và bền vững.

Hội nghị đầu tiên của Liên hợp quốc về các hoạt động khám phá Mặt trăng bền vững vừa diễn ra tại Vienna (Áo) với sự tham dự của các quan chức, đại diện trong ngành, học giả, phi hành gia và lãnh đạo nhiều cơ quan vũ trụ trên khắp thế giới.

Sự kiện nhằm giúp các bên hiểu được những cách tiếp cận chung, tính phức tạp và thách thức của các hoạt động trên Mặt trăng, từ đó xác định được khả năng phối hợp toàn cầu - một yêu cầu căn bản cho các hoạt động khám phá Mặt trăng bền vững trong tương lai.

Theo các chuyên gia, các nước cần có cách tiếp cận bền vững trong khai thác và chinh phục vũ trụ nói chung và Mặt trăng nói riêng.

Trước tiên là phát triển công nghệ khai thác vũ trụ thân thiện với môi trường thông qua ưu tiên sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng Mặt trời, năng lượng gió.

Tiếp đến là thiết lập các hiệp ước quốc tế về quản lý rác thải vũ trụ, hợp tác phát triển các công nghệ xử lý rác thải hiệu quả.

Các nước cũng cần áp dụng các biện pháp khai thác tài nguyên vũ trụ hợp lý, tránh khai thác cạn kiệt và gây thiệt hại cho môi trường.

Để đảm bảo sử dụng không gian vào mục đích hòa bình, thế giới cần xây dựng các quy định quốc tế ngăn chặn sử dụng vũ khí trong không gian, ngăn chặn chạy đua vũ trang và quân sự hóa vũ trụ; khuyến khích hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thám hiểm vũ trụ vì mục đích khoa học và hòa bình; sử dụng vệ tinh và các công nghệ vũ trụ để giải quyết các vấn đề chung của toàn nhân loại như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh...

Giải pháp nữa được tính đến là thiết lập quy định quốc tế về quân sự hóa vũ trụ, theo đó cấm sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, cấm thử nghiệm vũ khí và triển khai các hệ thống vũ khí tấn công trong không gian.

Cùng với đó là thiết lập cơ chế giám sát và kiểm tra việc tuân thủ các quy định quốc tế về quân sự hóa vũ trụ.

Tên lửa Soyuz 2.1b mang theo tàu thăm dò Mặt trăng Luna-25 phóng lên vũ trụ
Tên lửa Soyuz 2.1b mang theo tàu thăm dò Mặt trăng Luna-25 được phóng từ sân bay vũ trụ Vostochny ở vùng Viễn Đông, Nga, ngày 11/8/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Giới chuyên gia nhận định hội nghị đầu tiên của Liên hợp quốc về khám phá Mặt trăng bền vững là một sự kiện quan trọng đánh dấu bước tiến mới trong việc hợp tác quốc tế về chinh phục vũ trụ nói chung, Mặt trăng nói riêng.

Hội nghị góp phần định hình cách thức con người sẽ khai thác và sử dụng tài nguyên Mặt trăng trong tương lai, đồng thời đảm bảo rằng việc này được thực hiện một cách bền vững và có trách nhiệm, để mọi hoạt động khám phá và sử dụng không gian, bao gồm Mặt trăng và các thiên thể khác, là để phục vụ lợi ích của tất cả các nước.

Sự kiện mang tính bước ngoặt này cho thấy ngày càng nhiều quốc gia nhất trí cho rằng cần có sự tham vấn và phối hợp trong khám phá Mặt trăng, thay vì “chạy đua không gian” hay chia rẽ về chính sách không gian. Tất cả vì một bầu trời đêm mãi lấp lánh ánh Trăng chung cho các thế hệ mai sau của Trái đất.

Cập nhật: 21/06/2024 TTXVN/Vietnam+
  • 625