Các tổ chức môi trường vừa công bố một nghiên cứu độc lập khẳng định Trái đất đang đứng trước cuộc “sụp đổ tín dụng sinh thái” nghiêm trọng hơn rất nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện tại do tình trạng lạm dụng tài nguyên thiên nhiên.
Báo cáo Hành tinh sống (LPR) do Quỹ Bảo tồn thiên nhiên hoang dã thế giới (WWF), Tổ chức Động vật học London (ZSL) và Mạng lưới dấu chân toàn cầu (GFN) thực hiện.
Theo báo cáo, ước tính con người đang sử dụng lượng tài nguyên tự nhiên nhiều gấp 1/3 khả năng tái bổ sung của Trái đất mỗi năm. Tốc độ tiêu thụ “nguồn vốn tự nhiên” quá mức đang đe dọa tương lai của thế giới, với những tác động dễ nhận thấy là giá thực phẩm, nước và năng lượng đang tăng vọt.
LPR cho biết sự tham lam, sử dụng tài nguyên bất chấp hậu quả của con người đang dẫn đến tình trạng diện tích rừng bị thu hẹp, đất bị thoái hóa, nguồn nước và không khí ô nhiễm, số lượng cá cùng nhiều loài sinh vật khác sụt giảm nghiêm trọng. Ước tính mỗi năm thiệt hại về kinh tế do suy thoái môi trường gây ra lên đến 4.500 tỉ USD, gấp đôi con số thiệt hại của các tổ chức tài chính quốc tế trong cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra.
“Thế giới đang vật lộn với hậu quả cuộc khủng hoảng tài chính" - AFP dẫn lời giám đốc WWF James Leape - "Nhưng có một cuộc khủng hoảng to lớn hơn đang đến gần, một cuộc sụp đổ tín dụng sinh thái xảy ra do sự coi nhẹ tài nguyên tự nhiên vốn là nền tảng của mọi sự sống và sự thịnh vượng”.
LPR cho biết hiện có hơn 3/4 dân số thế giới sống tại các quốc gia có tốc độ tiêu thụ tài nguyên vượt quá khả năng tái tạo của Trái đất. Họ trở thành những “con nợ sinh thái”, có nghĩa là thường xuyên “vay vốn” quá mức từ đất nông nghiệp, rừng, biển và tài nguyên tự nhiên. “Chúng ta ứng xử với môi trường theo cách mà các tổ chức tài chính quốc tế hoạt động thời gian qua: tìm kiếm món lợi tức thì mà không tính đến hậu quả” - Reuters dẫn đánh giá của chuyên gia Jonathan Loh thuộc ZSL.
Nông dân chăn cừu kề bên nhà máy điện ở tỉnh Sơn Tây. Một nghiên cứu gần nhất cho biết ô nhiễm khí thải của Trung Quốc có thể tăng gấp đôi hoặc hơn trong hai thập niên tới (Ảnh: Reuters) |
Vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn do dân số thế giới và nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng nhanh. LPR dự báo đến năm 2030 nếu tình trạng hiện tại vẫn tiếp diễn, loài người sẽ cần có hai Trái đất để tiếp tục cuộc sống như hiện tại. Báo cáo viết: “Chúng ta chỉ có một Trái đất. Khả năng duy trì sự đa dạng về chủng loài của Trái đất là lớn nhưng cũng chỉ có hạn. Khi nhu cầu của con người vượt quá khả năng này, hệ sinh thái của Trái đất bị hủy hoại, đe dọa sự sống của con người”.
Báo cáo đề cập chỉ số “dấu chân sinh thái” - diện tích đất và biển trên Trái đất cần thiết - để thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ của con người. Theo báo cáo, chỉ số “dấu chân sinh thái” trung bình hiện nay đã lên đến 2,7ha/người, cao hơn nhiều so với mức giới hạn 2,1ha/người tính theo dân số thế giới. Con số này ở các nước tiêu thụ lớn như Mỹ, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Kuwait, Đan Mạch... lên đến hơn 20ha/người. Mỹ và Trung Quốc là hai nước chiếm tới 40% tổng số lượng “dấu chân sinh thái” toàn cầu.