Công dụng khử độc, diệt khuẩn của máy tạo ozon là có thật, nhưng các loại máy trên thị trường có đạt đến công dụng này hay không lại là cả vấn đề.
Môi trường ô nhiễm, nguy cơ ngộ độc từ rau quả nhiễm thuốc trừ sâu, chất kích thích tăng trưởng vẫn rất đáng lo nên nhiều người đang tìm mua thiết bị tạo ozon để tự xử lý.
Nắm được nhu cầu này các nhà sản xuất kinh doanh tung ra thị trường đủ loại thiết bị tạo ozon. Chỉ cần vài trăm nghìn đồng là bạn đã có thể sở hữu một chiếc máy để “xử lý vệ sinh, diệt khuẩn, khử độc trong phòng ngủ, xe hơi, phòng làm việc, kể cả sục rửa rau để loại trừ dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng”.
Theo hướng dẫn của nhà sản xuất, nếu dùng để rửa rau thì nối thêm ống nhựa nhúng vào chậu nước sục khí ozon; còn muốn dùng để khử mùi, diệt khuẩn thì xả khí này vào phòng hoặc xe hơi là có thể “loại trừ gần như 100% thuốc trừ sâu có trong rau quả, kể cả nấm mốc, ký sinh, vi nấm” hoặc “diệt khuẩn, vi trùng, khử mùi tạo không khí trong lành, sảng khoái”.
Tại TP HCM, các loại máy tạo khí ozon dùng trong gia đình đang được bày bán rất nhiều, có cả hàng ngoại nhập và hàng do một số cơ sở trong nước lắp ráp. Trong đó phần lớn là hàng Trung Quốc, giá 500-800 nghìn đồng/cái; hàng Đài Loan 1-1,3 triệu đồng/cái; hàng của Nhật, Australia, Hàn Quốc 2,2-4,5 triệu đồng/cái. Riêng hàng của Đức, Pháp trên 10 triệu đồng. Theo giới kinh doanh, các loại máy rẻ tiền đang được tiêu thụ rất mạnh.
Các nhà chuyên môn cho biết để tạo được khí ozon khá đơn giản nhưng để có được khí đạt yêu cầu thì không dễ chút nào. Tiến sĩ Phan Thanh Thảo, Phòng Hóa hữu cơ Viện Công nghệ Hóa học TP HCM, cho biết để tạo ra ozon người ta cho luồng khí khô chạy qua 2 điện cực (điện thế trên 4.000 V), khí khô bị ion hóa tách đôi, kết hợp với ôxy phân tử tạo ozon. Tuy nhiên, để sản phẩm có tác dụng còn phụ thuộc vào công suất, nếu hiệu suất thấp thì máy không có tác dụng. Trong khi trên thị trường đa số các máy đều sử dụng luồng không khí tự nhiên có độ ẩm cao không phù hợp để tạo ra ozon.
Kỹ sư công nghệ Nguyễn Đăng Lương, Phòng Điện tử ứng dụng Phân viện Vật lý Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ quốc gia, cho biết đa số máy bán trên thị trường (loại máy rẻ tiền) đều không sử dụng thiết bị khử ẩm do giá thành thiết bị này khá cao (chiếm đến 50% giá thành máy). Loại máy tạo ozon không có thiết bị khử ẩm sẽ rất nguy hại cho người sử dụng. Hàm lượng ozon đầu ra giảm mạnh, ngược lại hàm lượng ôxít nitơ tăng lên sẽ gây độc đường hô hấp. Khi sử dụng máy để khử mùi, diệt khuẩn trong phòng cũng phải thận trọng vì trên thực tế hàm lượng ozon tạo ra bao nhiêu cũng không ai biết được chính xác. Trường hợp lượng ozon thừa sẽ gây hại các tế bào đường hô hấp (từ khí quản cho đến phế nang); ngược lại, lượng ozon thấp thì không có tác dụng diệt khuẩn, khử độc.
Cũng theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, máy tạo ozon có tác dụng hay không còn phụ thuộc vào nồng độ ozon và thời gian xử lý. Hệ thống phóng điện phải ở tần số bao nhiêu, hiệu suất có đủ đáp ứng, vật liệu tạo ra điện trường có đúng kỹ thuật hay không... Nói chung, sản phẩm tốt phải đòi hỏi kỹ thuật cao, vật liệu đúng kỹ thuật, hiệu suất tạo ra phải phù hợp cho nên giá thành sẽ khá cao.
Tìm hiểu từ nhiều cơ quan chức năng cho thấy mặt hàng này hiện còn nằm ngoài luồng kiểm soát. Theo Chi cục Tiêu chuẩn- Đo lường- Chất lượng TP HCM, từ trước đến nay đơn vị chưa kiểm tra vì đây là mặt hàng không nằm trong danh mục phải kiểm tra về chất lượng theo quy định của Bộ Khoa học Công nghệ. Quyết định 50 của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 7/3 về việc ban hành danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra về chất lượng cũng không có sản phẩm này.
Nên tự kiểm tra khi có nhu cầu sử dụng Các chuyên gia đưa ra lời khuyên: Khi chọn mua máy nên chọn loại có thiết bị khử ẩm. Để kiểm tra máy có thiết bị khử ẩm hay không, có thể sục khí ozon vào trong nước để đo độ pH hoặc nhờ cơ quan chuyên môn đo giúp. Nếu máy có chất lượng tốt, độ pH sẽ là trung tính, ngược lại máy có độ pH thấp. Cũng có thể dùng giấy quỳ để thử, nếu máy tốt (độ pH trung tính) giấy sẽ giữ nguyên màu vàng; ngược lại, giấy sẽ chuyển thành màu hồng hoặc đỏ. Riêng lượng ozon phát ra bao nhiêu gam/giờ thì phải đo bằng máy chuyên dùng. |