Nguyễn Bá Hải - Cha đẻ của kính Mắt thần cho người khiếm thị

  •   3,34
  • 13.233

Nguyễn Bá Hải - Cha đẻ của kính Mắt thần cho người khiếm thị

Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải nhận bằng Tiến sĩ trước thời hạn ở tuổi 28 chuyên ngành Biorobotics (Robot sinh học) tại Hàn Quốc với bằng khen và giải thưởng Đề tài Tiến sĩ tốt nhất của trường trong khoá tốt nghiệp. Anh đã từ chối công việc với mức lương lên đến hàng ngàn đô la tại nước bạn, “Tiếng gọi từ con tim” đã thôi thúc Nguyễn Bá Hải quay về nước, về lại ngôi trường xưa làm việc và cống hiến.

Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải và dự án kính Mắt thần

Nghiên cứu phát minh Mắt Thần của anh đã bắt một nhịp cầu giúp cho người khiếm thị hòa nhập gần hơn với cộng đồng, san sẽ bớt những khó khăn và giúp cho họ có thêm niềm tin, nghị lực vững bước trên đường đời.

Kính dẫn đường thông minh cho người khiếm thị được Tiến sỹ Nguyễn Bá Hải và các cộng sự nghiên cứu cách đây 4 năm, bằng nguồn kinh phí tự có và huy động.

Năm 2012, lần đầu tiên Hải cho ra đời đôi “mắt thần” có khả năng giúp người mù biết được những vật xung quanh mình ở đâu, to hay nhỏ, cao hay thấp, xa hay gần… Nhưng chiếc “mắt thần” ấy rất cồng kềnh, nặng gần 2kg và có giá lên đến 20 triệu đồng.

Đó cũng là thời điểm đầy khó khăn, gian khổ đối với chàng tiến sĩ trẻ này. Khi đó, Hải phải bỏ ra đến 40, 50 triệu đồng để đầu tư trang thiết bị phục vụ cho việc sáng chế, và cả công sức trong khoảng một thời gian dài để nghiên cứu; nhưng không biết có được đón nhận hay không.

Nguyễn Bá Hải - Cha đẻ của kính Mắt thần cho người khiếm thị
Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải.

Hải nhớ lại: “Sau khi đôi “mắt thần” này ra đời, người đầu tiên đến gặp tôi trực tiếp và chia sẻ việc làm này chính là một chị tiểu thương bán gạo ở chợ Thủ Đức. Khi ấy cũng vào năm 2012, chị ấy đến gặp để động viên, đồng thời ủng hộ tôi một số tiền để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê mắt thần, với hy vọng, giúp người mù tìm lại ánh sáng”.

Từ đó, Hải bắt đầu nhận nhiều hơn những lời động viên, không chỉ cá nhân mà cả tập thể, nhiều doanh nghiệp đã tìm đến chia sẻ cả tinh thần, lẫn vật chất, giúp Hải có nguồn kinh phí tiếp tục nghiên cứu, cải tiến đôi mắt thần này.
Đến nay, sau nhiều lần cải tiến, đôi mắt thần đã ở phiên bản 9, rất gọn nhẹ, như một chiếc mắt kính bình thường, trọng lượng chỉ khoảng 200gr với giá giảm đến chục lần, chỉ còn hơn 2 triệu đồng.

Cái hay, cái đẹp của “mắt thần” là có nhiều nhà hảo tâm tài trợ để tiến sĩ Nguyễn Bá Hải sản xuất 1.000 thiết bị, tặng cho những người mù. Trong năm 2015 đã có kế hoạch sản xuất 5.000 chiếc mắt thần cho mục đích từ thiện.
Vậy là, lâu nay, đã có những tấm lòng âm thầm giúp đỡ người khiếm thị nghèo là thương binh, bệnh binh, giáo viên, người bán vé số bằng cách hỗ trợ tài chính để tặng “mắt thần” miễn phí. Đến hôm gặp gỡ với Thủ tướng, câu chuyện “mắt thần” mới được biết đến nhiều hơn. Hóa ra, chung quanh ta luôn có những tài năng, những trái tim thiết tha với cuộc sống, chia sẻ một phần sự may mắn của mình cho những thân phận bất hạnh. Chỉ có điều, chúng ta không quan tâm để biết và cùng hành động mà thôi.

Nguyễn Bá Hải - Cha đẻ của kính Mắt thần cho người khiếm thị
Phiên bản mới của kính mắt thần nặng 200gr và giá khoảng 2,2 triệu đồng.

Là nhà khoa học trẻ có 5 sáng chế quốc tế ở tuổi 28, tiến sĩ Nguyễn Bá Hải say mê nghiên cứu khoa học. Điều đặc biệt là anh nghĩ đến người khuyết tật, mà đã khuyết tật thì khó có ai không lâm vào cảnh nghèo. Có tình thương đối với người khiếm thị, tiến sĩ Hải mới nảy ra ý tưởng “mắt thần” - như anh kể: “Những con robot có thể đi trên mặt trăng, đi tới đi lui mà không cần có mắt, vậy thì sao không mạnh dạn làm cho người khiếm thị có thể đi được mà không cần nhìn?”. Nhiều người nhìn thấy robot đi trên mặt trăng hay trong các nhà máy, bệnh viện, nhưng nghĩ đến làm ra “đôi mắt” cho người khiếm thị thì chỉ có tiến sĩ Nguyễn Bá Hải.

Nhưng sức của các nhà hảo tâm cũng không thể giúp hết 1,2 triệu người khiếm thị trên cả nước, trong đó có 300.000 người mù hoàn toàn, cho nên cần phải có bàn tay của Nhà nước. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định “đặt hàng” tiến sĩ Nguyễn Bá Hải với 300.000 kính để tặng miễn phí cho người mù Việt Nam. Thủ tướng tự hào rằng, đây là sản phẩm do người Việt Nam sáng chế ra, không có lý gì người Việt Nam lại không được dùng.

Thật tuyệt vời, món quà dành riêng cho nhà khoa học vì nó thỏa mãn phần nào giấc mơ của anh, và đó cũng là món quà đến với 300.000 người mù.

Qua chuyện “mắt thần” ước gì đất nước có nhiều nhà khoa học, tạo ra những sản phẩm hữu ích bằng cả tấm lòng trong sáng và trái tim yêu thương cuộc đời như vậy.

Mắt thần là loại kính điện tử gọn nhẹ. Trong khoảng cách lập trình sẵn, kính nhận diện các vật cản đứng yên hay di động, sau đó báo rung cho người sử dụng để chọn hướng đi an toàn. Phiên bản Mắt thần 3, Mắt thần 4 sắp ra mắt là chiếc kính nhỏ gọn, không còn đây đeo và thiết bị điều khiển, có thêm tính năng nghe nhạc, báo thức.

Chiếc mắt kính được gọi là “mắt thần” này khá đơn giản. Ngoài bộ phận đo khoảng cách từ người đeo đến các vật xung quanh, còn có bộ phận điều khiển trung tâm để thu các tín hiệu khoảng cách và bộ rung động để phát ra các tín hiệu xúc giác. Và chính bộ rung động này giúp người mù khi đeo phát hiện được vật cản ở xa hay gần, to hay nhỏ, cao hay thấp, giúp người mù tránh được vật cản và biết được vật cản còn cách mình bao xa.

Cập nhật: 23/03/2016 Tổng hợp
  • 3,34
  • 13.233