Chạy trốn kẻ thù hay di trú là những nguyên nhân mà giới khoa học đưa ra để lý giải về hiện tượng giun đất chui lên mặt đất sau khi trời mưa.
Trước đây, các nhà khoa học đưa ra lý do duy nhất khiến giun đất chui lên sau trận mưa lớn là để tránh bị chết đuối trong đất ngập nước.
"Điều này không đúng vì giun đất thở bằng da và chúng cần hơi ẩm trong đất thở", tiến sĩ Chris Lowe thuộc Đại Học Central Lancashire ở Preston, Anh cho biết. "Giun đất không bị chết đuối giống như con người, và chúng hoàn toàn có thể sống vài ngày trong nước ngập".
AccuWeather dẫn lời tiến sĩ Lowe cho rằng, nguyên nhân thực sự khiến giun đất khi chui lên là để di trú tiện lợi hơn. "Khi trời mưa chúng có thể di chuyển trên mặt đất xa hơn so với bình thường. Chúng không thể làm như vậy khi trời khô bởi vì chúng cần độ ẩm", tiến sĩ Lowe nói.
Một giải thích khác cho rằng, những dao động của mưa rơi trên mặt đất nghe giống dao động của dã thú, như chuột chũi. Vì vậy, giun đất thường chui lên mặt đất để chạy trốn chuột chũi.
“Mưa có thể tạo ra các dao động trên bề mặt đất giống như dao động mà chuột chũi tạo ra", giáo sư Josef Gorres của Đại Học Vermont nói. "Tương tự cách giun đất di chuyển ra khỏi tổ khi phát hiện ra dao động của dã thú khác, chúng cũng làm như vậy khi cảm thấy dao động của mưa".
Biết tập tính này của giun đất, con người thường tạo ra nhiều dao động khi khi bắt loài vật này. Để dụ giun ra khỏi tổ, ngư dân dùng tay hoặc cây sắt tạo ra dao động cần thiết.
Nghiên cứu mới cho biết, giun đất có thể họp thành bầy đàn để giao tiếp bằng cách chạm vào cơ thể nhau. Nhưng tại sao giun đất phải họp thành bầy đàn là điều vẫn đang được các nhà khoa học tìm hiểu.