Nguyên nhân và những yếu tố nguy cơ của viêm khớp dạng thấp (Phần 1)

  •   52
  • 904

Mọi người hay nghĩ rằng viêm khớp dạng thấp và viêm xương khớp là cùng một bệnh. Tuy nhiên, đây là hai căn bệnh hoàn thoàn khác nhau.

Viêm xương khớp là do tổn thương lâu dài của khớp, còn viêm khớp dạng thấp là một căn bệnh phức tạp và khó hiểu hơn, khi hệ miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào và mô của chính cơ thể đó, bao gồm cả khớp, da và các nội tạng.

Giống như các rối loạn tự miễn dịch khác như lupus và bệnh vẩy nến, nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp vẫn còn chưa được hiểu rõ. Điều ta đã biết là một số yếu tố - bao gồm hút thuốc và béo phì - không chỉ có thể khiến nguy cơ mắc bệnh tăng cao mà còn gặp phải các triệu chứng tồi tệ hơn.

Triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp

Do đó, khi thấy mình có một số triệu chứng của viêm khớp dạng thấp thì bạn nên tiến hành chẩn đoán và điều trị kịp thời. Các triệu chứng bao gồm:

  • Sốt nhẹ dai dẳng.
  • Sụt cân.
  • Mệt mỏi và các bệnh lý khác.

Điềm báo sẽ kèm theo những bất thường về khớp như sưng đau khớp, chân gầy bất tiện khi ngủ dậy vào buổi sáng.

Nguyên nhân phổ biến

Viêm khớp dạng thấp xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể "bị lỗi". Thông thường, cơ thể tạo ra các protein phòng thủ (được gọi là kháng thể) được "lập trình" để tìm và tấn công tác nhân gây bệnh (được gọi là kháng nguyên).

Vì những lý do không rõ, cơ thể đôi khi sẽ tạo ra các kháng thể nhầm lẫn các tế bào bình thường thành những tế bào có hại. Tùy thuộc vào từng loại bệnh, bệnh tự miễn có thể xảy ra trên toàn cơ thể (ảnh hưởng đến nhiều cơ quan) hoặc có xác định (ảnh hưởng đến 1 hoặc nhiều hệ cơ quan).

Ở viêm khớp dạng thấp, một phần của hệ miễn dịch "lập trình" sai các kháng thể nhắm tới các khớp xương. "Thủ phạm" của sự bất thường này được cho là do các biến thể của hệ thống kháng nguyên bạch cầu ở người (HLA), là vùng kiểm soát các phản ứng miễn dịch.

Các gene có khả năng đóng vai trò trong sự bất thường bao gồm:

  • STAT4: Một gene đóng vai trò trong việc điều hòa và kích hoạt các phản ứng miễn dịch.
  • TRAF1 và C5: 2 gene có liên quan tới tình trạng viêm mãn tính.
  • PTPN22: Một gen có liên quan tới cả quá trình hình thành cũng như sự tiến triển của viêm khớp dạng thấp.

Có thể chỉ một tổ hợp các biến thể của gene hoặc/và các đột biến gene cũng là đủ để kích hoạt bệnh. Nhưng không phải tất cả những ai mang gene này đều sẽ bị viêm khớp dạng thấp và cũng không phải tất cả những người bị viêm khớp dạng thấp đều có những gene này.

Điều này gợi ý rằng· có khả năng các yếu tố khác có thể kích hoạt phản ứng tự miễn dịch, đặc biệt là nếu bạn có nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp cao do di truyền. Một giả thiết cho rằng vi khuẩn hoặc virus nào đó có thể vô tình gây "nhầm lẫn" cho hệ miễn dịch. Bốn bệnh nhiễm trùng có thể kích hoạt viêm khớp dạng thấp ở một số người bao gồm:

  • Virus Epstein-Barr (EBV)
  • Escherichia coli (E. coli)
  • Virus viêm gan C (HCV)
  • Mycobacterium

Các nhà khoa học tin rằng có thể có phản ứng chéo giữa các kháng nguyên này và một số tế bào bình thường của cơ thể. Như vậy, các kháng thể được sản xuất để đáp ứng với EBV có thể sẽ coi EBV và tế bào bình thường là như nhau. Khi đó, cho dù tình trạng nhiễm EBV đã được giải quyết thì cơ thể vẫn sẽ luôn trong trạng thái cảnh giác cao độ và sẵn sàng phản ứng với bất kì tế bào nào nghi ngờ là EBV.

Cũng có thể có các yếu tố khác làm cho hệ thống miễn dịch bị trục trặc. Với một số yếu tố, ta có thể thay đổi được chúng nhưng với một số khác thì không.

Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi

Viêm khớp dạng thấp có ảnh hưởng đến một vài nhóm nhất định nhiều hơn các nhóm khác. Ba yếu tố không thể thay đổi thường liên quan đến căn bệnh này là tuổi tác, giới tính và tiền sử gia đình mắc viêm khớp dạng thấp (di truyền).

Tuổi tác

Trong khi viêm khớp dạng thấp có thể tấn công ở mọi lứa tuổi, khởi phát của các triệu chứng thường bắt đầu ở độ tuổi từ 40 đến 60. Hơn nữa, nguy cơ sẽ tăng lên khi tuổi tác ngày càng tăng.

Giới tính

Phụ nữ có nguy cơ bị viêm khớp dạng thấp cao gấp ba lần so với nam giới. Tuy lời giải thích cho sự khác biệt này là chưa rõ ràng, các hormone ở nữ giới được cho là có vai trò trong việc hình thành bệnh.

Điều này được chứng minh một phần bởi một nghiên cứu đã chỉ ra rằng bệnh thường sẽ xuất hiện sau khi có một thay đổi hormone lớn. Điều này đôi khi xảy ra ngay lập tức sau khi mang thai hoặc song song với thời gian đầu của thời kỳ mãn kinh. Nguyên nhân được cho là do hormone Estrogen, và đặc biệt là sự suy giảm hormone này.

Mặt khác, sử dụng liệu pháp thay thế estrogen có thể cung cấp một lợi ích bảo vệ cho phụ nữ lớn tuổi, những người có nguy cơ mắc bệnh cao.

Những người phụ nữ trẻ đang sử dụng thuốc tránh thai cũng có thể cũng có được lợi ích như vậy. Theo các nhà nghiên cứu tại Viện Karolinska ở Stockholm, những phụ nữ đã sử dụng thuốc tránh thai có chứa estrogen trong hơn 7 năm đã giảm gần 20% nguy cơ bị viêm khớp dạng thấp phổ biến nhất so với những phụ nữ chưa bao giờ sử dụng thuốc tránh thai.

Di truyền

Những người có cha mẹ hoặc anh chị em ruột mắc viêm khớp dạng thấp có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 3 lần so với người bình thường. Hay kể cả có họ hàng gần bị bệnh cũng sẽ làm nguy cơ mắc bệnh tăng gấp đôi. Những con số này giúp minh họa vai trò trung tâm của di truyền trong sự phát triển của rối loạn tự miễn dịch.

Theo một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên tạp chí Lancet, yếu tố di truyền chiếm khoảng 40% đến 65% trong tất cả các trường hợp được xác nhận. Trong khi các đột biến di truyền chính xác vẫn chưa được xác định, những người bị bệnh tự miễn được cho là có một hoặc nhiều đột biến làm thay đổi cách hệ thống miễn dịch nhận biết và nhắm vào các tác nhân gây bệnh.

Một trong những nghi ngờ chính là gene HLA-DR4, một trong những biến thể gene có liên quan đến các bệnh tự miễn khác như lupus, viêm đa khớp dạng thấp hay viêm gan tự miễn. Nghiên cứu từ đại học Michigan cũng đã kết luận rằng những người mang một dấu hiệu di truyền khác liên quan tới HLA cũng có nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp cao gấp 5 lần những người không mang dấu hiệu di truyền này.

Để tránh mắc phải căn bệnh "ung thư xác sống" này, bác sĩ khuyên bạn:

  • Bỏ thuốc lá.
  • Giảm béo phì.
  • Tập thể dục nhịp điệu mỗi ngày, khoảng nửa giờ, 5 ngày một tuần.
  • Khi các triệu chứng của bệnh xuất hiện thì vẫn cần chú ý giữ thái độ tốt và điều trị càng sớm càng tốt.

(Còn tiếp...)

Cập nhật: 31/12/2020 Theo Viện Y Học Ứng Dụng Việt Nam/Pháp luật và bạn đọc
  • 52
  • 904