Nguyên tố nặng nhất có tên Copernicum

  •  
  • 1.823

Ngày 24 tháng 02 năm 2010, IUPAC chính thức thông báo với toàn thế giới: nguyên tố nặng nhất đã có tên chính thức là Copernicum, tên của nhà thiên văn Ba Lan Nicolaus Copernicus. 

Nguyên tố nặng nhất đã có tên chính thức là Copernicum, tên của nhà thiên văn Ba Lan Nicolaus Copernicus.


Copernicum có số thứ tự nguyên tử là 112, cũng là số proton trong hạt nhân nguyên tử. Nó nặng hơn hydro 277 lần, nặng nhất trong số các nguyên tố được Liên đoàn Hoá học ứng dụng và tinh khiết quốc tế IUPAC công nhận để từ nay đưa vào các sách giáo khoa và các công trình nghiên cứu khoa học.

Theo truyền thống, tên của các nguyên tố mới dựa trên đề xuất của những người đã phát minh ra nó. Nguyên tố này do nhóm các nhà khoa học tại GSI Helmholezzẻntum fur Schwerionenforschung (CHLB Đức), đứng đầu là GS Sigurd Hofmann đưa ra để kỷ niệm Nicolaus Copernicus (1473-1543). IUPAC đã chọn ngày sinh của nhà thiên văn học nổi tiếng này (19-2) để ra quyết định công nhận. Công trình của Copernicus trong ngành thiên văn học là Thuyết nhật tâm, khẳng định mặt trời là trung tâm của Thái dương hệ, quay quanh nó là trái đất và các hành tinh khác.

Trong Bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học, nhóm nghiên cứu đề nghị Copernicum sẽ có ký hiệu là Cp, nhưng xét thấy chữ viết tắt này từ lâu trong khoa học đã dùng phổ biến để chỉ tỷ nhiệt của một chất nên IUPAC đề nghị thay đổi và nhóm đã chấp nhận ký hiệu của nguyên tố mới là Cn. Đã có nhiều trường hợp nguyên tố mới phát minh được đặt tên cho các nhà khoa học nổi tiếng.

Hofmann và nhóm của ông đã tạo ra Copernicum lần đầu tiên vào ngày 9 tháng 2 năm 1996 bằng cách dùng máy gia tốc GSI dài 100 mét bắn phá các ion kẽm và đích là tấm chì. Sự kết hợp hạt nhân của 2 nguyên tố đã tạo ra một nguyên tố mới có số thứ tự là 112. Nhưng nguyên tố này chỉ sống được trong một phần của giây.

Sau đó, những thí nghiệm độc lập khác đều khẳng định sự phát minh ra nguyên tố mới. Năm ngoái, IUPAC chính thức thừa nhận sự tồn tại của nguyên tố 112 và đề nghị nhóm phát minh đề xuất một cái tên cho “đứa con” của mình và nay IUPAC đã chấp thuận.

Theo VietNamNet (LiveScience)
  • 1.823