Krasota, một nhà hàng ăn ngon ở Dubai đã mang đến một trải nghiệm mới lạ cho thực khách.
Tại bàn ăn, bên cạnh thưởng thức món ăn, thực khách sẽ nhìn thấy công thức nấu ăn trình chiếu bằng trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là 1 trong 8 trải nghiệm về "Tương lai tưởng tượng", liên quan đến ẩm thực đa giác quan tại nhà hàng Krasota.
Không gian con người hòa hợp với thế giới tự nhiên tại bữa ăn, bao gồm bánh taco làm từ thực vật và soda hoàn toàn tự nhiên. (Rebecca Cairns/CNN).
Thực khách sẽ có cơ hội trải nghiệm các kịch bản khác nhau trong tương lai, từ một thành phố dưới nước đến điểm đến ngoài không gian hay ngày tận thế hậu hạt nhân, với mỗi món ăn theo chủ đề phù hợp với bối cảnh.
Những người đồng sáng lập nhà hàng Krasota - bao gồm nghệ sĩ kỹ thuật số Anton Nenashev, đầu bếp Vladimir Mukhin và doanh nhân Boris Zarkov - đã sáng tạo các món ăn tiếp cận Trí tuệ nhân tạo (AI), đưa thực khách đến với trải nghiệm không gian công nghệ ngay tại bữa ăn.
Ông Nenashev đã thiết kế các hình chiếu bằng phần mềm đồ họa máy tính 3D. Trong khi đó, đầu bếp Mukhin đã thúc đẩy nền tảng sáng tạo Midjourney thông qua các công thức nấu ăn. Midjourney là công cụ tạo hình ảnh AI tiên tiến, cho phép người dùng tạo ra những hình ảnh độc đáo và ấn tượng với mô tả văn bản đầu vào. Với khả năng sáng tạo vô hạn và dễ sử dụng, Midjourney nhanh chóng trở thành công cụ đắc lực cho các nhà sáng tạo đưa nghệ thuật vào bữa ăn.
Các yếu tố trò chơi tương tác - chẳng hạn như các kịch bản không gian, trong đó máy chiếu hỗ trợ AI theo dõi bàn tay của thực khách trên bàn để tương thích khả năng "bắn" các tàu vũ trụ đi ngang qua. (Ảnh: Rebecca Cairns/CNN)
Ông Zarkov, chủ nhà hàng White Rabbit ở Moscow (nơi Mukhin cũng là bếp trưởng và đồng sáng lập), đã đến thăm bảo tàng nghệ thuật kỹ thuật số teamLabs ở Tokyo vào năm 2017, nơi có một "quán trà" tương tác công nghệ.
"Hình chiếu trên bàn rất đơn giản - ví dụ: bạn uống trà matcha và mô phỏng cây bắt đầu mọc ra từ cốc của bạn. Từ ý tưởng này, tôi quyết định làm điều gì đó với công nghệ, tập trung vào thực phẩm", ông Zarkov giải thích.
Tập hợp nhóm kỹ sư quốc tế, nhóm đồng sáng lập nhà hàng Krasota bắt đầu nghiên cứu các phép chiếu đa bề mặt và mặt bàn tương tác hỗ trợ AI, sử dụng cảm biến để phân biệt giữa các vật thể khác nhau, chẳng hạn như đĩa và kính, so với tay hoặc điện thoại của khách, cho phép chiếu mục tiêu. Hình ảnh đom đóm "tụ tập" trên ly và đĩa hoặc trò chơi điện tử được kích hoạt bởi bàn tay của thực khách.
Ông Zarkov nói đây là công nghệ phức tạp và khó khăn nhất mà chúng tôi đã tạo ra. Nhà hàng Krasota lần đầu tiên mở tại Moscow vào năm 2021 và nhớ lại rằng các nhân viên đã dành cả tháng để đào tạo AI bằng cách liên tục đặt các đĩa xuống bàn và di chuyển các đồ vật để kiểm tra.
"Lúc đầu, tốc độ không nhanh lắm - khi bạn di chuyển điện thoại, sẽ mất 3 giây để phản ứng". Nhưng AI sử dụng máy học để cải thiện khi tiếp nhận được thông tin mới. Bây giờ bạn có thể điều chỉnh với bất kỳ hình ảnh nào trên bàn", ông Zarkov nói thêm.
Đáng chú ý, nhà hàng Krasota Dubai khai trương vào năm 2023 với chương trình "Nghệ thuật tưởng tượng", đưa thực khách trải qua 8 khoảnh khắc đặc biệt, lấy cảm hứng từ các tác phẩm nổi tiếng của nhiều nghệ sĩ quốc tế. 6 tháng sau, nhóm nghiên cứu khởi động "Tương lai tưởng tượng" trên bàn ăn bằng một chuyến du hành vòng quanh thế giới với những suy đoán trong thập kỷ tới.
Ông Zarkov cho biết việc điều chỉnh nhịp độ chương trình phù hợp là một điều khó khăn. Điều quan trọng là phải phối hợp nhịp nhàng giữa màn hình và đồ ăn. Khi bạn quá tập trung vào màn hình thì thức ăn sẽ không còn trở nên ngon miệng.
Trải nghiệm này hướng tới sự chú ý của thực khách: hình ảnh thú vị và năng động nhất là thời gian nghỉ giữa các món ăn nhưng ngay khi đồ ăn được mang đến, đồ họa trở nên lặp đi lặp lại và thụ động để thực khách tập trung vào món ăn ngon miệng.
Các yếu tố tương tác chỉ xuất hiện khi các đĩa được dọn sạch và trong những trường hợp bất đắc dĩ gặp phải trong bữa ăn tại nhà hàng.
Cho dù đó là đồ ăn hay màn hình, ông Zarkov vẫn hy vọng du khách hiểu rằng: "nghệ thuật rất quan trọng. Chúng tôi muốn thực khách cảm nhận được điều đó".
Những chiếc đĩa gốm và dao kéo được chế tạo riêng theo phong cách vỏ sò và càng cua tại nhà hàng Krasota giúp gợi lên trải nghiệm ăn uống dưới nước. (Ảnh: Rebecca Cairns/CNN)
Công nghệ tại bàn ăn không phải là một khái niệm hoàn toàn mới. Năm 2007, nhà hàng The Fat Duck của đầu bếp Heston Blumenthal ở Anh đã giới thiệu "âm thanh của biển" trên món ăn sashimi nổi tiếng - với hiệu ứng âm thanh phát ra tiếng sóng vỗ nhẹ vào bãi biển và tiếng kêu của hải âu.
Ông Charles Spence, Giáo sư tâm lý học thực nghiệm tại Đại học Oxford cho biết đây là một trong những món ăn đa giác quan được hỗ trợ công nghệ đầu tiên trên thế giới. Ông đã dành hai thập kỷ để khám phá cách kích thích nghe nhìn thay đổi mùi vị của thức ăn – hoặc ít nhất nhận thức về âm thanh.
Chẳng hạn như giai điệu cổ điển khi thưởng thức món ăn sẽ khiến bạn cảm thấy đồ ăn giá trị hơn và âm nhạc phù hợp với ẩm thực. Các bài hát Ý được cho là phù hợp với món mì ống hoặc pizza - sẽ làm tăng nhận thức về tính xác thực.
Trong một thử nghiệm, ông Spence cũng cho biết những người tham gia đánh giá cùng một loại rượu vang nhưng vị ngọt hơn sẽ tăng 15% khi có hiệu ứng ánh sáng đỏ. Và khi là hiệu ứng đèn xanh, loại rượu này sẽ mang lại cảm giác tươi mát và cảm giác vị chua hơn.
Ông Spence cho biết thêm, ngay cả cao độ của âm nhạc cũng có thể ảnh hưởng đến vị giác: những âm thanh có âm vực thấp sẽ làm cho đồ uống có vị đắng hơn, trong khi những nốt cao sẽ mang lại vị ngọt.
"Ngày càng có nhiều đầu bếp muốn giới thiệu loại gia vị âm thanh này để thay đổi hương vị món ăn. Và ngày càng có nhiều người tiêu dùng mong muốn khám phá mối liên hệ đáng ngạc nhiên giữa các giác quan khác nhau trong khi thưởng thức món ăn", ông Spence nói thêm.
Công nghệ đang trở nên phổ biến hơn trong trải nghiệm đa giác quan. Các nhà hàng như Zenon, cũng ở Dubai, đã sử dụng "các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt do AI tạo ra" để thay đổi không khí của phòng ăn, mang lại bữa ăn đặc biệt và nghệ thuật hơn.