Nhà khoa học Canada "hồi sinh" virus đã tuyệt chủng từng giết hại 500 triệu người

  •   52
  • 2.765

Nó có thể hồi sinh lại một đại dịch bệnh chết người, đồng thời vẽ đường cho việc phát triển vũ khí sinh học.

Tuần trước, tạp chí Science thông báo rằng một nhóm nhà khoa học Canada đã tự tổng hợp được một chủng virus đậu mùa nhân tạo. Trong trường hợp bạn thấy xa lạ với đậu mùa, căn bệnh này không thuộc về thời đại của những người sinh sau năm 1980.

Đậu mùa là bệnh truyền nhiễm gây ra một trong bốn đại dịch khủng khiếp nhất trong lịch sử. Trong thế kỷ 20, nó đã giết chết 500 triệu người, trước khi bị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố xóa sổ vào năm 1979.

Với việc tổng hợp được một chủng virus đậu mùa nhân tạo, các nhà khoa học đến từ Đại học Alberta, Canada đang làm dấy lên một mối lo ngại. Liệu căn bệnh chết người này sẽ được hồi sinh, và các nghiên cứu tự tổng hợp virus nhân tạo chỉ là vỏ bọc cho việc phát triển vũ khí sinh học?

Nhà khoa học Canada tổng hợp thành công virus đậu mùa, nguy cơ đại dịch bệnh chết người quay trở lại.
Nhà khoa học Canada tổng hợp thành công virus đậu mùa, nguy cơ đại dịch bệnh chết người quay trở lại.

Trước hết phải nói rằng horsepox, chủng virus gây ra bệnh đậu mùa trên ngựa mà Đại học Alberta mới tạo ra, khá lành tính. Dù kịch bản xấu nhất xảy ra, khi những con horsepox tổng hợp thoát ra được bên ngoài phòng thí nghiệm, chúng cũng không thể đe dọa tới sức khỏe con người.

Nhưng đó mới chỉ là phần nổi của câu chuyện.

Virus tổng hợp bằng cách sắp xếp lại trình tự gene không phải là một hướng nghiên cứu quá mới. Từ năm 2002, các nhà khoa học Anh đã tổng hợp được virus nhân tạo đầu tiên, một dạng gây bệnh bại liệt. Họ thử nghiệm nó bằng cách tiêm virus vào chuột.

Những con chuột trong thí nghiệm sau đó đều bị virus giết chết. Kể từ đó, những cuộc tranh luận bắt đầu nổi lên về việc ai đó có thể tự tổng hợp virus giết người, rồi biến nó thành một dạng vũ khí sinh học.

Tại thời điểm đó, một số nhà nghiên cứu ủng hộ phát triển các virus tổng hợp nói rằng mọi người không nên quá lo lắng. Việc tổng hợp virus là rất khó khăn và đắt đỏ, chỉ một số ít người và cơ sở thí nghiệm mới có khả năng làm được việc đó.

Thế nhưng 15 năm đã trôi qua kể từ đó. Nghiên cứu mới của Đại học Alberta bây giờ đã thay đổi hoàn toàn những suy nghĩ chủ quan ấy. Nó được ví như một hồi chuông báo động, nói cho chúng ta rằng đây không còn là lúc để coi nhẹ vấn đề tổng hợp virus.

Chỉ với khoản chi phí thấp tự có, 100.000 USD, một giáo sư vi sinh vật học và miễn dịch tại Đại học Alberta đã có thể dẫn dắt nhóm nghiên cứu của ông, tổng hợp nên những con virus horsepox nhân tạo.

“Đây là một ví dụ cho những gì mà công nghệ hiện đại có thể làm được”, tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện các bệnh truyền nhiễm và dị ứng Hoa Kỳ cảnh báo. Việc giảm chi phí, đơn giản hóa quy trình và tìm cách tạo ra được ngày càng nhiều loài virus tổng hợp chỉ là vấn đề thời gian.

Virus đậu mùa
Việc giảm chi phí, đơn giản hóa quy trình và tìm cách tạo ra được ngày càng nhiều loài virus tổng hợp chỉ là vấn đề thời gian.

David Evans là nhà khoa học dẫn đầu nhóm nghiên cứu tại Đại học Alberta, ông hiện cũng là một thành viên trong Ủy ban cố vấn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Nghiên cứu của Evans không nhằm mục đích xấu.

Trả lời phỏng vấn với tờ STAT, ông nói mình đã nhiều lần đề cập về việc virus đậu mùa sẽ sớm được tổng hợp rất dễ dàng trước đây:

“Thực sự, không một ai trong lĩnh vực này ngạc nhiên về điều đó [việc chúng tôi tổng hợp được virus đậu mùa nhân tạo với chi phí thấp]. Chúng tôi đã nói điều này với WHO từ nhiều năm nay. Công nghệ này là rất khả thi”.

Quan điểm của giáo sư Evans nghiêng về phía ủng hộ các nghiên cứu tổng hợp virus, bởi chúng có thể phục vụ nhiều lợi ích y học.

Chẳng hạn như mục tiêu lớn của Evans là phát triển một vắc-xin ung thư, dựa trên virus họ hàng với đậu mùa. Nghiên cứu tổng hợp horsepox lần này là một bước đệm của ông, tiến đến việc phát triển các virus cho vắc-xin ung thư.

Một công đôi việc, các virus horsepox mà Evans tổng hợp cũng được đặt hàng từ Tonix, một công ty dược phẩm Mỹ. Họ đang có ý định phát triển một loại vắc-xin chống đậu mùa tốt hơn. Tonix tài trợ nghiên cứu cho giáo sư Evans.

Nhưng tới đây, có một điểm nghi ngờ rằng: Bệnh đậu mùa đã bị xóa sổ gần 4 thập kỷ, tại sao Tonix lại muốn phát triển một loại vắc-xin khi chúng ta không cần tiêm chủng để phòng đậu mùa nữa?

Việc họ đặt hàng một nghiên cứu tại Canada chứ không phải Mỹ cũng có lý do của nó. Bởi đơn giản, nếu một nghiên cứu tổng hợp virus tại Mỹ, nó khó có thể được chấp thuận.

Tiến sĩ Fauci cho biết nghiên cứu tổng hợp virus được xếp vào danh mục DURC (dual use research of concern). Hiểu một cách đơn giản, đó có thể là những công trình nguy hiểm đội lốt nghiên cứu vô hại. Trong trường hợp các virus tổng hợp, nó hoàn toàn có thể ngụy trang cho các loại vũ khí sinh học mang mầm bệnh nguy hiểm.

Năm 2011, một nhà khoa học người Hà Lan đã sử dụng tài trợ của chính phủ Mỹ để biến đổi virus cúm gia cầm H5N1. Kết quả cuối cùng đã tạo ra một chủng virus vượt ra phạm vi lây nhiễm trên gia cầm để truyền bệnh qua cả những con chồn sương. Đến bước này, virus gần như đã có thể nhiễm sang con người và nguy cơ đó đặc biệt nguy hiểm.

Marc Lipsitch, một giáo sư dịch tễ học tại Đại học Harvard đã kịch liệt phê bình nghiên cứu năm 2011. Khi được hỏi quan điểm của ông về công trình mới của giáo sư Evans, ông chỉ ra một kịch bản không phải ai cũng biết.

Theo giáo sư Lipsitch, bản thân nghiên cứu của giáo sư Evans không có vấn đề gì. Nhưng việc ông công bố nó, bao gồm cả cách thức tổng hợp các virus đậu mùa giá rẻ lên một tạp chí khoa học, phần nào là “vẽ đường cho hươu chạy”.

Nhiều kẻ có thể sử dụng kiến thức từ nghiên cứu này vào các mục đích xấu. Bên cạnh đó, ngay cả khi các nhà khoa học chân chính ý thức được việc họ làm, nhiều sai lầm có thể xảy ra, những sai lầm mà họ cũng không thể hình dung được.

Nghiên cứu virus tổng hợp hoàn toàn có thể ngụy trang cho việc chế tạo vũ khí sinh học.
Nghiên cứu virus tổng hợp hoàn toàn có thể ngụy trang cho việc chế tạo vũ khí sinh học.

Thực tế cho tới giờ, công trình của giáo sư Evans vẫn chưa được công bố. Nó đã bị từ chối đăng bởi hai tạp chí khoa học uy tín hàng đầu thế giới. Lý do vì công trình thuộc nhóm DURC có thể gây ra nhiều mối nguy hiểm, liên quan đến luật pháp và các công ước quốc tế.

Nghiên cứu của Evans có thể trở thành bản hướng dẫn để tạo ra các mầm bệnh nguy hiểm. Bởi vậy, ông thừa nhận rằng mình đã phải vật lộn để lựa chọn thông tin nào nên công bố.

“Tôi không muốn đưa ra những hướng dẫn quá chi tiết về cách làm việc này”, ông nói khi đề cập đến việc tổng hợp ra một chủng virus đậu mùa. Giả sử một người có kiến thức trong lĩnh vực nghiên cứu ấy, họ có thể chỉ mất nửa năm và 100.000 USD để lặp lại thí nghiệm, thậm chí nhân rộng nó sang các chủng virus nguy hiểm.

Cho đến thời điểm hiện tại, giáo sư Lipsitch vẫn khá yên tâm về công trình và thái độ của giáo sư Evans. Ít nhất thì các con horsepox chưa bay khỏi phòng thí nghiệm, và nó cũng không tạo ra nguy cơ quá lớn.

Thế nhưng, công việc của Evans đã chứng minh một thực tế rằng virus bây giờ có thể được tổng hợp rất dễ dàng và rất rẻ. Nhiều người đã có thể làm được việc đó, như giáo sư Evans với một nguồn tài trợ tư nhân, không nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ.

Bởi vậy, trong tương lai, câu chuyện sẽ là gì nếu nghiên cứu tổng hợp virus không được thực hiện bởi một người có trách nhiệm như giáo sư Evans? Đồng thời, loại virus mà họ tạo ra không phải vô hại như horsepox? Đó là điều mà ngay cả các nhà khoa học cũng khó có thể đoán trước được.

Cập nhật: 14/07/2017 Theo Trí Thức Trẻ
  • 52
  • 2.765