Nhà khoa học đoạt Nobel chế tạo khối phổ kế nhỏ nhất thế giới

  •  
  • 589

Khối phổ kế nhỏ nhất thế giới do nhà khoa học giành giải Nobel năm 2002 chế tạo và được kỳ vọng giữ vai trò quan trọng trong nghiên cứu dược phẩm.

Tại buổi họp báo ngày 29/5, ông Koichi Tanaka - đoạt giải Nobel năm 2002 - giới thiệu khối phổ kế nhỏ nhất thế giới tên MALDImini-1 do ông cùng đồng nghiệp tại Tập đoàn Shimadzu (Nhật Bản) phát minh.

Ông Koichi Tanaka tại buổi họp báo giới thiệu máy MALDImini-1 - khối phổ kế nhỏ nhất thế giới
Ông Koichi Tanaka tại buổi họp báo giới thiệu máy MALDImini-1 - khối phổ kế nhỏ nhất thế giới - (Ảnh: Mainichi).

Shimadzu khẳng định thiết bị sẽ được sử dụng trong nghiên cứu dược phẩm sinh học. Đây cũng là lần đầu doanh nghiệp phát triển sản phẩm này từ khi thành lập phòng thí nghiệm vào năm 2003.

Theo Mainichi, khối phổ kế được dùng để đo kích thước đại phân tử như protein (đạm). Phương pháp khối phổ cần đến nguồn điện cao áp nên khó để có thể thiết kế nhỏ gọn. Hiện tại, khối phổ kế nhỏ nhất cũng to bằng một cái tủ lạnh.

Trong khi đó, MALDImini-1 chỉ bằng tờ giấy A3 và nặng 25kg. Theo nhóm nghiên cứu, khi cho mẫu thử vào máy, chỉ cần 5 phút là đã có những thông số cần thiết.

"Tôi tin rằng nếu các nhà nghiên cứu có thể dễ dàng xác nhận thông tin và khám phá những điều mới với thiết bị thuận tiện, họ sẽ có nhiều động lực hơn", ông Tanaka nói trong buổi họp báo.

Nhà khoa học Tasuko Honjo, đoạt giải Nobel Sinh lý học và Y khoa năm 2018, đánh giá cao MALDImini-1: "Phương pháp khối phổ vô cùng cần thiết cho cả những hoạt động nghiên cứu cơ bản nhất. Từ nay tôi mong muốn nhìn thấy thiết bị này được sử dụng rộng rãi trong ngành y tế".

Cập nhật: 31/05/2019 Theo Tuổi Trẻ
  • 589