Điều hòa là một trong những nguyên nhân góp phần gây nên biến đổi khí hậu, đó là điều không cần bàn cãi. Tuy nhiên, các nhà khoa học đang tính đến việc sẽ biến điều hòa trở thành một thiết bị chống lại biến đổi khí hậu.
Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra, điều hòa không khí là một trong những thủ phạm gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, theo một phát hiện mới của ba nhà khoa học Đức, chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi chức năng của điều hòa và biến nó trở thành một công cụ hỗ trợ chống biến đổi khí hậu hiệu quả.
Điều hòa không khí là một trong những thủ phạm gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Với tiêu đề "Crowd oil not crude oil", đề tài nghiên cứu của ba nhà khoa học Đức đã được đăng tải trên tạp chí Nature mới đây. Theo Popular Mechanics, nghiên cứu nhằm tìm ra giải pháp xử lý các vấn đề tiêu cực của điều hòa.
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế ước tính có khoảng 1,6 tỷ chiếc điều hòa trên Trái Đất. Con số này dự kiến có thể tăng lên 5,6 tỷ chiếc vào năm 2050. Như vậy lượng khí thải nhà kính do điều hòa tỏa ra sẽ tăng từ 1,25 tỷ tấn trong năm 2016 lên 2,28 tỷ tấn vào giữa thế kỷ này.
Sở dĩ điều hòa có thể góp phần gia tăng hiệu ứng nhà kính và hiện tượng nóng lên của Trái Đất là do hóa chất có tên hydrofluorocarbons (HFC), một hợp chất hữu cơ có chứa các nguyên tử flo và hydro, được sử dụng để làm lạnh. Tuy được khẳng định không làm suy giảm tầng ozon, tiết kiệm năng lượng, giá cả phải chăng nhưng loại khí này lại độc hại gấp 1000 lần so với khí CO2.
Đó là chưa kể, nhiệt tỏa ra từ cục nóng của điều hòa cũng khiến bầu khí quyển của Trái Đất càng thêm ngột ngạt do lớp khí CO2 chặn ở tầng trên của Trái Đất, ngăn không cho nhiệt thoát ra ngoài. Thời tiết càng nóng và khắc nghiệt, mọi người càng mua điều hòa và nó trở thành một vòng lặp không có hồi kết.
Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore từng gọi điều hòa là "một trong những phát minh đáng chú ý nhất trong lịch sử". Đó là bởi điều hòa giúp cải thiện năng suất làm việc, học tập cho mọi công dân ở các nước nhiệt đới. Tuy nhiên điều hòa cũng vô tình trở thành mối nguy hiểm không kém khí thải từ ngành công nghiệp, cháy rừng,…
Các nhà khoa học Đức đã biến điều hòa trở thành một công cụ hấp thụ khí nhà kính và làm mát tiện dụng.
Đó là với điều hòa sử dụng các công nghệ cũ. Theo Roland Dittmeyer, một kỹ sư tại Viện công nghệ Karlsruhe, Đức và là tác giả chính của nghiên cứu đã đưa ra một ý tưởng mới, đó là cải tiến điều hòa, biến nó trở thành một công cụ hấp thụ khí nhà kính và làm mát tiện dụng.
Dittmeyer viết: "Hãy tưởng tượng hệ thống điều hòa không khí chạy bằng điện trong nhà, căn hộ hoặc văn phòng của bạn. Bên cạnh chức năng làm mát, sưởi ấm, nó còn có thể dùng để thu khí CO2 và nước từ không khí. Tưởng tượng xem, bạn có thể lấy được nước và CO2, rồi sau đó chuyển đổi thành nhiên liệu hydrocarbon tái tạo bằng công nghệ hiện có, từ đó tạo ra nguồn năng lượng quan trọng".
Khi không khí đi qua điều hòa, một bộ lọc có thể thu được tất cả lượng khí CO2 thổi vào bên trong, qua đó giúp hạn chế lượng khí thải CO2 trong khí quyển. Hơn hết, CO2 này còn được trưng dụng để sản xuất nhiên liệu.
Mặc dù vậy trở ngại lớn nhất với công nghệ này là lượng CO2 trong không khí gần mặt đất không nhiều. Một ví dụ được nhóm nghiên cứu trích dẫn, đó là số điều hòa lắp trên MesseTurm, Frankfurt, Đức. Với mật độ CO2 trong khí không khí là 400ppm, điều hòa chỉ có thể hấp thu được từ 0,75 đến 1,5 tấn CO2 mỗi giờ.
Công nghệ này có thể áp dụng ở tất cả mọi nơi.
Nhóm nghiên cứu khẳng định, để tận dụng tối đa chức năng hút CO2 của điều hòa trong tương lai, chúng ta sẽ cần xây dựng các bể chứa hydrocarbon khổng lồ.
Tất nhiên công nghệ này có thể áp dụng ở tất cả mọi nơi, bất kể không gian lớn hay quy mô dân cư nhỏ. Nghiên cứu có tiến hành đánh giá mức độ tích cực của công nghệ này ở Vauban, một khu vực ngoại ô ở Đức và thấy 365 tòa nhà ở Vauban có thể thu được khoảng 200kg CO2 mỗi giờ.
Hiện nay trên khắp thế giới, các chính trị gia đang kêu gọi ngành công nghiệp sớm tìm ra giải pháp chống biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu. Tuy sức mạnh thu hồi CO2 của điều hòa có thể không bằng rừng hoặc biển nhưng đó chắc chắn sẽ là một con số khổng lồ nếu tính đến số lượng điều hòa mới không ngừng tăng qua từng năm.
Dittmeyer hy vọng có thể sớm chứng minh nghiên cứu trên của anh và các đồng nghiệp có thể đem lại thay đổi tích cực trên quy mô toàn cầu.