Theo Reuters ngày 7/2, ước tính khoảng 5,5 tấn nước nhiễm phóng xạ đã rò rỉ từ một thiết bị tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản.
Cụ thể, vào khoảng 8 giờ 53 sáng 7/2 (theo giờ địa phương), các công nhân đã phát hiện nước rò rỉ từ đầu ra của thiết bị dùng để lọc nước nhiễm phóng xạ trong quá trình kiểm tra thiết bị, theo Đài truyền hình trung tâm Fukushima dẫn báo cáo từ Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO).
TEPCO ước tính lượng nước rò rỉ là khoảng 5,5 tấn, trong đó có thể chứa 22 tỉ becquerel chất phóng xạ như Caesium và strontium, theo báo cáo từ TEPCO. Hầu hết nước rò rỉ dường như đã thấm vào đất, nhưng việc giám sát kênh thoát nước gần đó không cho thấy bất kỳ thay đổi đáng kể nào về mức độ phóng xạ. TEPCO đã biến khu vực bị rò rỉ nước thành khu vực cấm đi lại.
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima tại tỉnh Fukushima của Nhật.
Bị ảnh hưởng bởi trận động đất mạnh 9,0 độ Richter và trận sóng thần vào ngày 11/3/2011, nhà máy điện hạt nhân Fukushima gặp sự cố hạt nhân cấp 7, cao nhất trong thang đo sự kiện phóng xạ và hạt nhân quốc tế, theo Tân Hoa xã.
Nhà máy Fukushima đã tạo ra một lượng lớn nước nhiễm phóng xạ từ việc làm nguội nhiên liệu hạt nhân trong các tòa nhà lò phản ứng. Lượng nước nhiễm phóng xạ đang được chứa trong các bể chứa tại nhà máy.
Vào ngày 24/8/2023, Nhật Bản bắt đầu xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy Fukushima ra Thái Bình Dương. Tokyo khẳng định việc xả nước nói trên là an toàn, đồng thời lưu ý rằng Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng đã kết luận rằng tác động của việc xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý đối với con người và môi trường là "không đáng kể", theo Reuters.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi việc xả nước nhiễm phóng xạ như trên là một "hành động cực kỳ ích kỷ và vô trách nhiệm", nói rằng hành động này sẽ "đẩy rủi ro lên toàn thế giới (và) truyền lại nỗi đau cho các thế hệ nhân loại tương lai".
Tokyo chỉ trích Trung Quốc vì đã truyền bá "những tuyên bố vô căn cứ về mặt khoa học".