Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) ngày 22/2 cho biết thị trường y học tái sinh của Nhật Bản được cho là sẽ đạt tổng kim ngạch 1.600 tỷ yen trong năm 2030, tăng so với quy mô còn khiêm tốn 26 tỷ yen năm 2012 hiện nay.
Cũng theo METI, thị trường y học tái sinh của Nhật Bản trong năm 2030 sẽ phát triển với các sản phẩm đặc thù được phát triển từ tế bào người với nhiều chủng loại đa dạng và đặc biệt là các sản phẩm từ loại tế bào đa năng nhân tạo có thể được thương mại hóa trong tương lai.
METI hy vọng bản đánh giá của bộ này sẽ khuyến khích hoạt động đầu tư cho lĩnh vực mang lại nhiều thành quả đầy hứa hẹn này.
Lĩnh vực y học tái sinh thu hút sự chú ý ở Nhật Bản sau khi giáo sư Đại học Kyoto, Shinya Yamanaka giành giải Nobel Y học hồi năm ngoái với kết quả nghiên cứu đột phá của ông về tế bào đa năng nhân tạo (iPS) mà từ nó có thể sản sinh ra bất kỳ loại tế bào nào của cơ thể người.
Đánh giá của METI được đưa ra sau khi bộ này tính đến số lượng các bệnh nhân tiềm năng ở Nhật Bản cùng với chi phí điều trị bình quân đầu người. Trên quy mô toàn cầu, METI dự báo thị trường y học tái sinh sẽ tăng tới 17.000 tỷ yen trong năm 2030, vượt xa so với 340 tỷ yen trong năm 2012.
METI cũng cho biết chi phí cho các ca điều trị thử nghiệm bằng các sản phẩm y học tái sinh có thể sẽ được giảm tới khoảng 60% trong khi những phí tổn giảm tới 20% nếu Nhật Bản thực thi các những biện pháp tích cực như cải cách các quy định nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan hữu quan và nhà chức trách nhanh chóng phê chuẩn các sản phẩm y học tái sinh trong các thử nghiệm lâm sàng, một quy trình mà theo như hiện nay phải mất tới 7 năm.
Y học tái sinh là quá trình thay thế hoặc tái sinh các tế bào, mô và nội tạng của con người nhằm phục hồi hoặc thiết lập chức năng hoạt động bình thường của chúng. Lĩnh vực này hứa hẹn khả năng tái sinh các mô tế bào và nội tạng trong cơ thể bằng cách thay thế các mô bị tổn thương hoặc kích thích cơ chế tự sửa chữa của cơ thể nhằm hàn gắn các mô và nội tạng mất khả năng tự sửa chữa trước đó.
Y học tái sinh cũng giúp cho các nhà khoa học nuôi dưỡng các mô và nội tạng trong phòng thí nghiệm và cấy ghép một cách an toàn khi cơ thể người không thể tự sửa chữa. Điều đặc biệt quan trọng là y học tái sinh còn có khả năng giải quyết vấn đề thiết hụt khi con số nội tạng được hiến tặng không đủ đáp ứng nhu cầu bệnh nhân cần cấy. Ngoài ra, y học tái sinh sẽ giải quyết triệt để nguy cơ đào thải sau cấy ghép nếu các tế bào của cơ quan nội tạng được lấy từ chính mô hoặc tế bào của bệnh nhân.