Nhật Bản vừa mới hồi sinh một sinh vật đông lạnh sau 30 năm

  •   4,84
  • 6.762

Gấu nước mới chỉ được hồi sinh sau 9 năm nhưng chưa hề có trường hợp nào kéo dài tới 30 năm.

Viện nghiên cứu địa cực Nhật Bản vừa công bố rằng các nhà khoa học của họ đã thành công trong việc hồi sinh một con Tardigrade vốn được đóng băng trong hơn 30 năm, sau khi được thu thập tại Nam cực.

Các nhà khoa học Nhật Bản đã hồi sinh thành công gấu nước đóng trong băng hơn 30 năm, sau khi phát hiện thấy nó ở Nam Cực.
Các nhà khoa học Nhật Bản đã hồi sinh thành công gấu nước đóng trong băng hơn 30 năm, sau khi phát hiện thấy nó ở Nam Cực.

Tardigrade, hay còn gọi là gấu nước, là sinh vật "extremophile" có kích thước hiển vi sống trong nước, có thể tồn tại ở những môi trường cực kì khắc nghiệt từ nhiệt độ gần độ không tuyệt đối đến trên nhiệt độ sôi của nước, áp lực gấp sáu lần tại điểm sâu nhất của đáy biển và phóng xạ gấp nhiều trăm lần mức chết người. Chúng sẽ đi vào một trạng thái tên là cryptobiosis ở một vài điều kiện nhất định, khi đó hệ tuần hoàn sẽ chậm lại hoặc ngừng hoàn toàn trong một thời gian rất dài.

Cơ quan vũ trụ Châu Âu đã từng đưa 3000 con gấu nước lên vũ trụ trong 12 ngày vào năm 2007, khiến cho chúng trở thành động vật đầu tiên có thể sống sót trong môi trường vũ trụ.

Loài gấu nước dùng trong các nghiên cứu này, có chiều dài cơ thể nhỏ hơn 1 milimet, được tìm thấy trên những cây rêu gần Showa Station tại Nam cực vào tháng 11 năm 1983. Chúng được đông lạnh tại âm 20 độ C và đem về lưu trữ tại Nhật Bản. Viên nghiên cứu báo cáo lại rằng chúng đã được rã đông vào tháng 5 năm 2014.

Thiết bị để kiểm tra độ sinh tồn của gấu nước ngoài không gian.
Thiết bị để kiểm tra độ sinh tồn của gấu nước ngoài không gian.

Những mẫu vật vốn dĩ được thu thập để nghiên cứu về rêu, nhưng các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hai con gấu nước và một quả trứng, người phát ngôn của viện kể lại. Họ đã thành công trong việc khôi phục lại quả trứng và một trong những sinh vật tám chân này, nó bắt đầu di chuyển và tiêu thụ thức ăn sau khoảng hai tuần. Sau đó, nó sinh 19 trứng, 14 trong số đó đã nở.

Trong khi mẻ trứng đầu tiêu tốn nhiều thời gian để nở hơn so với sau này, không có bất cứ biến dị nào được tìm thấy ở các con non mới đẻ. Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Cryobiology vào tháng trước.

Trước đó, gấu nước mới chỉ được hồi sinh sau 9 năm chứ chưa hề có trường hợp nào kéo dài tới 30 năm, theo những gì viện nghiên cứu báo cáo. "Những nghiên cứu chi tiết hơn này sẽ nâng cao hiểu biết về cơ chế và điều kiện của việc tồn tại lâu dài đến vậy của những dạng sống cryptobiosis", trích lời các nhà khoa học trong nghiên cứu này.

Cập nhật: 18/01/2016 Theo Trí Thức Trẻ
  • 4,84
  • 6.762