Ngày 10/12, nhóm các nhà khoa học Nhật Bản có tên là Aeroscepsy đã phát minh ra một loại tàu lượn mới sử dụng năng lượng sinh ra từ sức đạp của con người với hy vọng chiếc tàu lượn này sẽ lập kỷ lục thế giới mới.
Tàu lượn mới có tên gọi Gokurakutombo, được làm bằng bọt nhựa cứng polixetiren và sợi carbon nên chỉ nặng 37kg. Bọt polixetiren là loại nhựa chắc, nhẹ, rất thích hợp cho việc sản xuất tàu lượn sử dụng năng lượng từ vận động của con người.
Chiếc tàu Daedalus năm 1988
Ngoài ra, nhờ sải cánh được thiết kế đặc biệt, dài 35,6m nhưng chỉ rộng bằng nửa cánh máy bay chở khách Boeing 747, nên tàu lượn Gokurakutombo được kỳ vọng sẽ bay được quãng đường lên tới 120km (75 dặm).
Nhóm nghiên cứu Aeroscepsy cho biết, họ sẽ nhờ một vận động viên xe đạp chuyên nghiệp vận hành "đứa con tinh thần" của mình vì theo tính toán, hành trình của con tàu sẽ mất khoảng 4 tiếng, đòi hỏi phải được cung cấp năng lượng liên tục từ việc "đạp xe" của vận động viên.
Dự kiến, tàu Gokurakutombo sẽ xuất phát từ một cánh đồng dưới chân núi Phú Sĩ và bay hướng ra biển Thái Bình Dương. Trong quá trình bay cũng như cất hạ cánh, tàu Gokurakutombo sẽ tận dụng các luồng gió nóng để tạo thuận lợi hơn cho việc tiết kiệm năng lượng và sức đạp của người điều khiển.
Nhóm Aeroscepsy gồm các kỹ sư lắp ráp xe máy của hãng Yamaha. Các kỹ sư tin tưởng tàu lượn mới của họ sẽ lập kỷ lục thế giới mới vì trước đó cuộc thử nghiệm của họ đã đạt được điều này.
Kỷ lục thế giới trước đây thuộc về tàu lượn Daedalus của nhóm nhà khoa học từ một trường Đại học của Mỹ. Kỷ lục được thiết lập vào năm 1988 khi tàu Daedalus thực hiện hành trình dài 115km từ đảo Crete tới đảo Santorini của Hy Lạp. Tuy nhiên, tàu Daedalus đã bị rơi xuống biển Địa Trung Hải chỉ vài mét trước khi đến đích.