Việc thay hệ thống truyền hình hệ analog bằng kỹ thuật số mặt đất khiến Nhật Bản lo ngại cảnh báo động đất qua truyền hình sẽ bị chậm hơn.
Khắc phục hậu quả động đất và sóng thần tại tỉnh Miyagi ngày 18/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Theo phóng viên tại Nhật Bản, kể từ tháng Bảy này, Nhật Bản sẽ chính thức ngừng phát sóng toàn bộ hệ thống truyền hình hệ analog và chuyển sang phát kỹ thuật số mặt đất.
Tuy nhiên, vấn đề chính nảy sinh khi chính phủ có thông báo khẩn cấp về các trận động đất sắp xảy ra tới người dân lại liên quan đến sự khác biệt giữa kỹ thuật số mặt đất với hệ analog.
Ngoài hai thành phố lớn là Tokyo và Osaka, người dân các địa phương khác sẽ khó tiếp cận với các nguồn thông tin cảnh báo sớm khi xảy ra động đất.
Theo các chuyên gia phòng chống thiên tai, kỹ thuật số mặt đất sẽ đưa tin cảnh báo sớm chậm mất 2 giây so với analog và như vậy làm tăng nguy cơ thiệt hại đối với người dân do phản ứng chậm với thiên tai.
Ngay cả trong trường hợp đầu tư thiết bị nghe nhìn hiện đại thì cũng chỉ giảm được độ trễ xuống còn 0,5 giây.
Ngoại trừ ba tỉnh chịu thiệt hại nặng nề bởi trận động đất (Iwate, Miyagi và Fukushima), 44 tỉnh thành trên cả nước đều phải chuyển hoàn toàn sang hệ kỹ thuật số mặt đất.
Kỹ thuật số mặt đất có ưu điểm là phát sóng bằng dữ liệu kỹ thuật số cho hình ảnh chất lượng cao nhưng do đó hình ảnh và âm thanh sẽ bị nén lại khi truyền tải và phải cần tới thiết bị giải nén. Do vậy, so với hệ analog, các hiển thị cảnh báo động đất khẩn cấp sẽ xuất hiện trên màn hình chậm hơn từ 2-3 giây.
Cảnh báo động đất khẩn cấp là hoạt động cảnh báo sớm của cơ quan khí tượng Nhật Bản thường diễn ra vài giây hoặc vài chục giây trước khi có rung chấn mạnh.
Nếu tâm chấn ở gần nơi ở thì việc chậm 2-3 giây sẽ trở thành mối lo ngại lớn vì càng gần thì thời gian rung chấn sau canh báo càng ngắn.