Nhật thực: Chỉ có thể nhìn thấy khi trời trong

  •  
  • 1.163

Ngày 19/3, thời tiết đã khiến nhiều người thất vọng vì không xem được nhật thực... Tại Hà Nội, trời có nhiều mây mù. Còn ở TP.HCM, trời nắng nhưng lại có nhiều mây.

Theo dự báo của các nhà khoa học, vào ngày 19/3, tại Hà Nội và TP.HCM có thể quan sát được hiện tượng nhật thực một phần. Tuy nhiên, theo anh Đặng Vũ Tuấn Sơn, Hội Thiên văn Việt Nam, ở Hà Nội, mặc dù vẫn có nhiều người tò mò, muốn quan sát hiện tượng thiên văn này nhưng tất cả đành phải ngậm ngùi, bỏ qua.

Ảnh do các nhà quan sát chụp được cảnh nhật thực một phần khi bầu trời đầy mây...

Ảnh do các nhà quan sát chụp được cảnh nhật thực một phần khi bầu trời đầy mây... (Ảnh: Skytonight.com)

Lý do đơn giản là, trong suốt 3 ngày trước hôm nhật thực, Hà Nội trời âm u và mưa suốt. Ngày 19/3, ngày xảy ra nhật thực, trời không mưa nhưng lại nhiều mây và không có nắng.

Trong khi đó, TS Nguyễn Văn Khải, một nhà vật lý đã từng có luận án về thiên văn học và hiện là Giám đốc Trung tâm tư vấn tiết kiệm điện năng và dung dịch hóa, điện hóa Hà Nội cũng không tỏ ra ngạc nhiên khi tại TP.HCM cũng không nhìn thấy được nhật thực và khiến cho nhiều người phải... thất vọng!. Ông cho biết mình đang công tác ở phía Nam và theo quan sát của ông thì bầu trời phía Nam, ở Bình Thuận và TP.HCM dù trời nắng nhưng cũng có nhiều mây vào sáng ngày 19/3.

Theo TS. Khải, có thể nhìn thấy rõ hiện tượng nhật thực với điều kiện trời trong.

Trong trường hợp trời nhiều mây, mù, tức là có nhiều hơi nước trong không khí thì do sự tán xạ và khúc xạ ánh sáng nên sẽ khó có thể quan sát được nhật thực. Tốt nhất thì cũng chỉ nhìn thấy được một quầng sáng nhỏ hơi bị méo và khó gây ấn tượng cho người quan sát nếu nói đó là ’nhật thực"!

Mặt khác, trong lần nhật thực này, Mặt Trăng chỉ che khuất một phần nhỏ của Mặt Trời nên sự khác biệt không lớn, do đó, người dân đã không xem được nhật thực.

TS Nguyễn Văn Khải cũng cho rằng, khi công bố thông tin về nhật thực, nhà khoa học hoặc cơ quan chuyên môn nên công bố rõ cả địa điểm, tọa độ có thể quan sát được nhật thực.

Đây cũng là một phương thức giáo dục tốt đối với học sinh, sinh viên và những người quan tâm đến thiên văn học, một lĩnh vực mà ở nước ta hiện nay, việc giáo dục, truyền bá kiến thức còn rất sơ sài.

Ngọc Huyền

Một số hình ảnh Nhật thực một phần tại Châu Á


Nhật thực một phần được nhìn thấy tại thành phố Ngân Xuyên, tỉnh Ninh Hạ, Trung Quốc


Nhật thực một phần nhìn từ thành phố Xingtai, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc lúc 8g40 sáng nay, 19-3


Nhật thực một phần tại thành phố Ngân Xuyên, Trung Quốc

Ảnh: Xinhua, Tuổi trẻ

  • 1.163