Một nghiên cứu mới đây đã cảnh báo rằng một lượng chì rất nhỏ trong máu cũng có thể làm giảm chức năng thận ở trẻ em và tăng nguy cơ trẻ mắc các bệnh liên quan tới thận về sau này.
Bút chì cũng có thể gây ảnh hưởng tới lượng chì trong máu trẻ
Theo Trung tâm Phòng chống bệnh dịch Mỹ, trẻ em chỉ gặp những vấn đề về sức khỏe khi có lượng chì trong máu vượt quá mức 10 microgram/dexilit. Tuy nhiên, nghiên cứu của các bác sĩ chuyên khoa thận tại Trung tâm Y tế trẻ em Johns Hopkins (Mỹ) chứng minh rằng một lượng chì rất nhỏ dưới 10 microgram/dexilit cũng đủ làm trẻ em gặp các vấn đề về thận.
"Theo chúng tôi được biết, đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy rằng một lượng chì rất nhỏ trong máu cũng có thể ảnh hưởng tới chức năng thận ở trẻ em. Điều này đòi hỏi các cơ quan y tế cần có những hành động nhằm giảm thiểu những nguồn chì có khả năng xâm nhập vào cơ thể của trẻ em", tiến sĩ Jeffrey Fadrowski, chuyên khoa thận và là người đứng đầu cuộc nghiên cứu, nói.
"Chúng ta rất khó nhận ra chức năng thận bị suy giảm ở trẻ em do nhiễm chì dạng nhẹ vì hầu như không có triệu chứng điển hình được biểu lộ. Tuy nhiên, điều này có thể khiến trẻ em đối mặt với nhưng nguy cơ mắc các bệnh về thận như huyết áp cao, đái tháo đường khi trưởng thành”, tiến sĩ Susan Furth, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu với 769 trẻ em khỏe mạnh có độ tuổi từ 12 đến 20. Hơn 99% số trẻ tham gia có lượng chì trong máu thấp hơn 10 microgram/dexilit, với mức trung bình khoảng 1,5 microgram. Kết quả cho thấy chức năng thận của những trẻ, có lượng chì trong máu cao, kém hơn thận của những trẻ có lượng chì trong máu thấp hơn mức trung bình.
Hiện tại, chúng ta thường nhiễm chì từ các nguồn thông dụng bao gồm: bút chì, các đồ gốm sứ, đất, nước sinh hoạt ở những thành phố có nhiều tòa nhà cũ hay điều trị chiếu xạ,...