Nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em

  •  
  • 1.294

Nên nghĩ đến viêm bàng quang nếu thấy trẻ đái rắt, đái đau, đái rặn. Nhiều trẻ la hét, sợ hãi hoảng hốt khi tiểu tiện, bàn tay khai do luôn nắm hoặc kéo dương vật.

Vòng tròn nhiễm khuẩn tiết niệu (Ảnh: SK & ĐS, VNE).
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu rất hay gặp ở trẻ em, đứng hàng thứ 3 sau các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp và tiêu hóa. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể để lại nhiều biến chứng và di chứng nặng nề. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là các vi khuẩn gram âm như E.coli, Proteus..., một số cầu khuẩn đường ruột, virus, nấm....

Về biểu hiện lâm sàng, có thể gặp các thể nhiễm khuẩn đường tiểu: viêm thận, bể thận hay nhiễm khuẩn đường tiểu trên (thường kèm theo viêm mô kẽ thận); viêm bàng quang hay nhiễm khuẩn đường tiểu dưới.

Bệnh không có triệu chứng đặc hiệu nên các dấu hiệu lâm sàng chỉ có giá trị gợi ý, chẳng hạn: Trẻ sốt cao, rét run, toàn thân có tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm độc. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đôi khi không có sốt, có thể thấy các biểu hiện như một tình trạng nhiễm khuẩn huyết: vàng da, hạ thân nhiệt... Bệnh nhi có thể đái ít, đái buốt, nước tiểu đục.

Nếu trẻ bị viêm bàng quang, có thể thấy trẻ đái rắt, đái đau, đái rặn. Nhiều trẻ la hét, sợ hãi hoảng hốt khi đái. Có thể để ý thấy bàn tay của trẻ khai do trẻ luôn nắm hoặc kéo dương vật. Đôi khi trẻ có thể kêu đau vùng hạ vị.

Nếu trẻ bị viêm nhiễm đường tiết niệu trên, ngoài tình trạng nhiễm khuẩn toàn thân trẻ có thể kêu đau vùng thận.

Khi thấy trẻ có các biểu hiện nghi ngờ, cần đưa đến các trung tâm y tế làm xét nghiệm, siêu âm, chụp X-quang... để chẩn đoán kịp thời.

Trẻ viêm bàng quang thường được điều trị tại nhà bằng một trong các loại kháng sinh uống như amoxicillin, ampixillin, cotrimoxazol. Thời gian điều trị 5-7 ngày. Những trẻ viêm đường tiết niệu trên
nên nằm viện.

BS. Nguyễn Minh Hồng, Sức Khỏe & Đời Sống

Theo VnExpress
  • 1.294