Trong mười năm, tỉnh Bạc Liêu tổ chức khai quật hai lần khu vực quanh tháp cổ ngàn năm, mang lên lòng đất nhiều cổ vật quý...
Chân tháp hình chữ nhật, một cạnh dài 5,6m; cạnh kia dài 6,9m
trên một gò cao hơn mặt ruộng địa phương khoảng 50cm. (Ảnh: Diễm Hằng)
Ông Phạm Văn Tắc - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu cho biết, đợt khai quật dưới lòng đất xung quanh tháp cổ nhất đồng bằng sông Cửu Long do bảo tàng với Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ thực hiện đã kết thúc sau một tháng làm việc tích cực.
Đào sâu đến 2m đất, các nhà nghiên cứu tìm thấy một số cổ vật có giá trị như sàn làm bằng gạch vỡ lèn chặt lại tạo thành một mặt phẳng rộng khoảng 25m2. Theo các nhà khảo cổ, cư dân thời đó có thể đã sử dụng cái sàn gạch này làm sân để thực hiện những công việc mang sắc thái tín ngưỡng thuộc tôn giáo của cộng đồng cư dân thời bấy giờ.
Một chân tảng cũng được phát hiện trong lần khai quật này tại tháp cổ Vĩnh Hưng. Đây có thể là một trụ gạch của kiến trúc xây dựng bằng vật liệu nhẹ như cột gỗ. Kiến trúc này là một nhà chờ với không gian khá rộng để cộng đồng cư dân thời ấy chờ đến giờ để thực hiện các hoạt động tín ngưỡng.
Những di vật quý bằng đá, đồng độc bản cũng được lấy lên ở độ sâu gần 2m. Hai mẫu đá nhỏ rất đẹp cũng được phát hiện cùng một số cổ vật quý khác nhưng không thể công bố vì phải thực hiện theo đúng Luật Di sản.
Tháp được xây bằng gạch ghép khít lại nhưng
không nhìn thấy vữa kết dính. (Ảnh: Diễm Hằng)
Tháo cổ Vĩnh Hưng ở gần chợ Vĩnh Hưng của huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu là di tích kiến trúc cổ duy nhất mang dáng dấp nghệ thuật kiến trúc thời Ăng Ko của người Khmer còn được bảo tồn ở đồng bằng sông Cửu Long.
Công trình có kiến trúc cổ này được phát hiện năm 1911 với nhiều tên gọi khác như tháp Lục Hiền, tháp Bhah Dhat là tên của một nhà sư và tên chùa cạnh tháp khi di tích này được phát hiện. Trong thế kỷ 20, các nhà khảo cổ học đã phát hiện tấm bia khắc chữ Phạn ghi rõ tháng 814 tương ứng với năm 892 ở chùa Bhah Dhat cạnh tháp Vĩnh Hưng.
Tháp cổ ở Bạc Liêu, nơi đây các nhà khảo cổ đã phát hiện tấm
bia khắc chữ Phạn ghi rõ tháng 814 tương ứng với năm 892. (Ảnh: Diễm Hằng)
Tháp Vĩnh Hưng được dựng trên một doi đất, chân tháp hình chữ nhật, một cạnh dài 5,6m; cạnh kia dài 6,9m, cao 8,9m xây bằng gạch ghép khít lại nhưng không nhìn thấy vữa kết dính. Tháp có cấu trúc khá đơn giản, có một gian hình chữ nhật, tường dày, nóc cao uốn thành vòm với một cửa chính. Trong tháp có một bàn tay tượng thần bằng đồng, một phần thân dưới của tượng nữ thần, tượng nữ thần bằng đá xanh, tượng nữ thần Brahma mặt bằng đồng, đầu tượng Phật bằng đồng... và một số vật thờ khác.
Hàng năm, nhân dân địa phương tổ chức giỗ lớn tại tháp vào ngày 15 tháng giêng âm lịch với hàng ngàn Phật tử trong và ngoài tỉnh đến cúng bái.