Điều tra của các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Thủy lợi cho thấy: Nhiều hồ chứa nước vừa và nhỏ ở các tỉnh miền bắc sắp hết tuổi thọ, năng lực khai thác đã giảm tới 50%...
Sắp hết tuổi thọ
Tại các tỉnh miền bắc, hầu hết các hồ chứa nước vừa và nhỏ được xây dựng và thiết kế từ những năm 1960 với quy định tuổi thọ trung bình là 50 năm, trong khi đa số đã hoạt động được trên 40 năm. Chính vì vậy, trong số 185 hồ chứa nước có dung tích từ 1-10 triệu m3 tại 18 tỉnh phía bắc qua khảo sát cho thấy, nhiều công trình đã xuống cấp nghiêm trọng do tốc độ bồi lắng quá nhanh.
Hồ Tây - Hà Nội (Ảnh: Flickr) |
Theo đánh giá ban đầu, ngoài nguyên nhân do điều kiện khí hậu, thủy văn, diễn biến thời tiết, thảm thực vật thay đổi, còn do các yếu tố con người mang lại. Đó là, vấn đề quy hoạch, nhiều công trình được xây dựng trong cùng lưu vực, nên thường bị chồng chéo lên nhau, dẫn đến thiếu hụt nguồn thủy sinh, nhiều hồ đập nhỏ thiết kế không phù hợp với các điều kiện địa chất, thủy văn, nhiều công trình vẫn chưa hoàn thiện thi công.
Ông Hải đánh giá, chính các yếu tố trên đã dẫn tới hiện tượng bồi lắng trong những năm gần đây diễn ra với tốc độ ngày một nhanh và đây chính là nguyên nhân trực tiếp làm giảm tuổi thọ của hồ. Với vị trí xây dựng của các hồ phần lớn nằm trong thung lũng, nên khi xảy ra hiện tượng sạt lở, lượng đất cát đã tràn xuống các hồ chứa. Nhưng lượng đất đá này không xâm nhập xuống bụng hồ hay phần dung tích chết, mà bồi lắng hẳn sang phần dung tích hữu ích theo các đường viền quanh hồ.
Chính vì hiện tượng này, nên lượng nước trong hồ bị giảm sút và thiếu hụt nhanh chóng, dẫn đến việc người dân phải sử dụng máy bơm để bơm nước lên, vì thế lượng nước trong hồ không thể đạt được công suất thiết kế, đặc biệt về mùa hạn.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã cho phát triển thủy sản và sản xuất nông nghiệp cạnh các hồ chứa, do phải sử dụng một lượng nước lớn, nên dẫn đến mực nước tại các hồ ngày càng bị cạn kiệt.
Phải tái đầu tư ngay lập tức
Trong số các hồ chứa nước vừa và nhỏ có hai loại: do Nhà nước đầu tư và do địa phương tự xây dựng. Thế nhưng, theo nhận định của ông Hải, mặc dù các hồ vẫn phải tích, trữ nước và khả năng tưới đã giảm mạnh, nhưng lại rất ít được tái đầu tư. Có chăng, chỉ có các hồ do Nhà nước thi thoảng được sửa chữa nhỏ, còn các hồ của địa phương gần như không có một chút đầu tư nào.
Do từ nhiều năm qua diện tích rừng đầu nguồn bị giảm mạnh (nhất là ở khu vực Phú Thọ), vì thế để khắc phục, trước mắt cần phải trồng rừng ở những địa điểm thường hay xảy ra sạt lở, xói mòn đất; đồng thời, trồng xen các thảm thực vật bằng cây có bộ rễ dày để hạn chế sự xói mòn của đất; thay đổi quy trình vận hành, đóng mở nước hồ theo đúng thiết kế công trình.
Ông Hải cũng đặc biệt lưu ý đến các giải pháp công trình như tạo các ruộng bậc thang trên các địa hình dốc, đào đắp mương, ao nhỏ trên các chi lưu. Đối với các hồ nằm trong vùng địa hình thấp, bụng hồ có dạng lòng chảo cần xây kê lát mái và trồng cây theo băng đề ngăn các sản phẩm xói mòn xâm nhập vào hồ.
Nhưng để thực hiện được các giải pháp trên, ông Hải cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có các biện pháp đầu tư đồng bộ cho các hồ chứa, hệ thống kênh dẫn, cửa cống, đến lòng hồ... Đặc biệt, các hồ chứa nhỏ do các địa phương tự xây dựng chủ yếu được làm theo kinh nghiệm, chứ không theo một quy chuẩn cụ thể nào, nên rất khó tìm lại các bản đồ thiết kế kỹ thuật, vì thế các địa phương cũng cần phải chủ động trong việc tái đầu tư và xây dựng lại hồ.