Phần lớn mọi người đều nghĩ chỉ những loài tiến hoá cao như khỉ, chó, mèo, chim hay người mới có trí nhớ tốt. Nhưng một kết quả nghiên cứu mới đây của ĐH Bonn (Đức) cho thấy kể cả với loài sống dưới nước xuất hiện trước cả khủng long cũng có trí nhớ siêu phàm và thông minh không kém.
Chúng ta thường nghe những câu chuyện hài về chứng trí nhớ ngắn hạn (short term memory) của các loài cá, rằng chúng chỉ ghi nhớ được điều gì đó trong... 3 giây! Câu chuyện này có lẽ đến từ "cô nàng" cá Dory trong bộ phim Finding Nemo. Song trên thực tế, điều này không đúng. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng các loài cá có trí nhớ tương đối tốt.
Nàng cá Dory với chứng trí nhớ ngắn hạn trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng Finding Nemo
Ví như trong nuôi trồng thuỷ sản, các ngư dân đã huấn luyện đàn cá của mình bằng cách đánh kẻng (hoặc phát ra một âm thanh đặc trưng) trước khi cho chúng ăn. Dần dần về sau, cứ nghe thấy kẻng là đàn cá lại tụ tập gần nơi cho ăn. Dựa trên điều này, các nhà nghiên cứu Israel đã "luyện" cho đàn cá nhớ một âm thanh riêng. Sau đấy chúng được thả về với biển. Khoảng một thời gian sau, họ lại phát âm thanh trên và ghi nhận sự trở lại của đàn cá. Sau 4 - 5 tháng, vẫn có một số con trưởng thành quay trở lại nơi phát ra nguồn âm.
Tuy vậy, kết quả nghiên cứu sau của ĐH Bonn không chỉ cho thấy cá mập có khả năng "nhớ dai" mà còn thông minh hơn những gì chúng ta nghĩ về chúng.
Nghiên cứu này do tiến sỹ Vera Schluessel phối hợp với đồng sự Theodora Fuss cùng thực hiện trên loài cá mập tre xám (Chiloscyllium griseum), là một loài cá mập thảm (carpet shark) sống ở phía tây Indonesia với chiều dài khoảng 60 cm. Theodora tiến hành 3 thí nghiệm khác nhau để đo trí nhớ và trí thông minh của những con cá đang ở tuổi thành niên.
Loài cá mập thảm dùng trong thí nghiệm
Thí nghiệm đầu tiên là khả năng nhận diện hình ảnh. Và chúng không phải là những hình ảnh "dễ nhìn" như chúng ta thường thấy trong một số thí nghiệm IQ về động vật. Đầu tiên Theodora tập cho 1 nhóm cá mập nhận diện hình tam giác, bằng cách cho ăn mỗi khi chúng chạm mũi vào vị trí tương ứng trên bờ tường. Bên cạnh đó, Theodora cũng luyện 1 nhóm khác, nhưng bằng hình vuông.
Về sau, cô kiểm tra xem chúng có thể nhận ra những hình vuông hay tam giác trên không, nhưng ở một cấu trúc khác - cấu trúc Kanizsa. Đó là những hình không vẽ đầy đủ các cạnh của đa giác mà chỉ có các hình tròn kiểu như trò chơi Pacman, chúng được chọn số góc đo tương xứng và vị trí xếp phù hợp giúp não người có thể "tự vẽ" ra các đa giác không có thật (trong trí tưởng tượng). Một số hình khác, các mảnh Pacman nằm rời rạc không theo trật tự cũng được đưa vào thử nghiệm.
Ảo giác hình vuông và tam giác được tạo ra từ các mảnh ghép Pacman
Điều đáng ngạc nhiên là những con cá mập của Theodora cũng có khả năng tái tạo lại ảnh tương tự như não người. Chúng chọn ra chính xác những hình với các mảnh Pacman sắp sếp thẳng hàng và tạo ra hình ảnh có ý nghĩa. Với khả năng nhận diện ảo giác quang học (optical illusion) này, cá mập chính thức được xếp cùng hạng với những loài tiến hoá cao như chó, mèo, khỉ và cú.
Khả năng nhận diện ảo giác quang học này từ những mảnh ghép không đầy đủ, có thể được giải thích nhằm giúp chúng tăng khả năng sinh tồn trong tự nhiên. Bằng cách trên, loài cá mập thảm vốn sống dưới đáy biển có thể hình dung ra con mồi đang lẩn trốn dưới lớp cát, hoặc giúp chúng nhận ra những kẻ săn mồi to xác hơn từ xa, khi hình ảnh về chúng mới chỉ là cái bóng mờ dưới làn nước hoặc lấp ló sau những rặng san hô.
Tiếp theo, Theodora tiến hành thí nghiệm thứ hai xem những con cá mập có thể nhận ra được những hình vuông bị ẩn giấu phía sau những đường chéo nằm trên chúng hay không, cũng như phân biệt được hình vuông với hình thoi trên cùng một kiểu hoạ tiết như vậy không. Rất thông minh, lũ cá học được thủ thuật này thậm chí còn nhanh hơn so với thí nghiệm đầu tiên.
Nhưng thí nghiệm thứ ba mới ấn tượng nhất.
Não người dễ bị đánh lừa rằng đoạn giữa dài hơn 2 đoạn còn lại
Trước hết, cô cho bầy mập thấy những đoạn thẳng với chiều dài khác nhau, rồi tập cho chúng luôn chọn những đoạn dài hơn. Cho đến khi lũ cá hiểu được cứ chọn cái dài sẽ có ăn, cô chuyển qua giai đoạn kế tiếp. Lần này cô xem thử chúng có bị đánh lừa bởi ảo giác Müller-Lyer hay không. Đây là ảo giác mà trong đó, phía cuối các đoạn thẳng được thêm vào cái mũi tên. Não người thường bị đánh lừa rằng đoạn thẳng với 2 đầu mũi tên nằm đối diện với nhau sẽ "dài hơn" các đoạn còn lại.
Nhưng bầy mập thì không thế. Chúng luôn có thể nhận ra cả 3 đoạn thẳng trên đều dài bằng nhau, mặc cho hướng mũi tên là về đâu.
Cá mập có thể là loài "thù dai"
Và đáng kể hơn, sau khi các thí nghiệm này kết thúc, Theodora thực hiện thí nghiệm cuối xem liệu lũ cá có thể ghi nhớ được bao lâu. 50 tuần tức gần một năm sau khi được "dạy", hầu hết mọi con cá đều nhớ chính xác cần chọn những hình nào mà khi định vị đúng thì chúng có thức ăn.
Có khả năng nhớ đến một năm không phải là chuyện đơn giản. Nhiều loài động vật không có được khả năng này. Và không chỉ là "nhớ dai" hơn các loài cá khác, khả năng lưu giữ ký ức của loài mập tre xám thực sự cho phép chúng "cạnh tranh" trực tiếp với những loài có IQ cao như quạ, linh trưởng và thậm chí là cả con người.
Ngay cả chúng ta sau khi học bài xong vẫn dễ dàng "trả chữ lại cho thầy". Thậm chí do dựa dẫm vào máy tính, smartphone, chúng ta còn "lười" ghi nhớ hơn so với trước đây. Trong khi đó, những con cá trong thí nghiệm của Theodora, công bằng mà nói thì ở dưới biển chẳng ai thưởng cho chúng khi nhớ được điều đó. Nên lý do thiết thực để nhớ tất cả những hình ảnh trên gần như không có, song chúng vẫn nhớ.
Tất nhiên vẫn có một số con bị mai một trí nhớ nhanh hơn những con khác. Ngay cả trong khi được huấn luyện, một số con mập "học" nhanh cả những con khác. Và điều này có thể hiểu được vì không phải con mập nào cũng giống nhau. Cũng như con người chúng ta, một số người có trí nhớ khá tốt. Nhưng một số khác thi thoảng lại để quên "đồ đạc" của chính mình.
Song điều ấn tượng nhất, là cá mập đã tồn tại từ rất lâu trên Trái Đất, hơn 420 triệu năm trước. Với một loài "cổ xưa" như vậy nhưng chúng gần như không thua kém bất kỳ loài vật hiện đại nào về IQ.
Những bộ phim của Hollywood về sự đáng sợ của cá mập, có lẽ, hợp lý ở góc độ nào đó... nhất là về khả năng ghi nhớ và sự thông minh tinh quái của chúng.