Nhóm khảo cổ tìm thấy "tác phẩm nghệ thuật" cổ xưa nhất lịch sử loài người

  •  
  • 802

Có thể gọi cao nguyên Thanh Tạng là bảo tàng nghệ thuật cổ xưa nhất lịch sử tính cho tới nay.

Những dấu chân, dấu tay hóa thạch vẫn xuất hiện đây đó trên thế giới. Nhìn vào chúng, người hiện đại không khỏi ngỡ ngàng khi thấy những điểm tương đồng giữa mình và những động vật linh trưởng hình người từng rảo bước trên Trái đất; một bàn tay năm ngón trên tường hang, hai dấu chân trên bùn nay đã hóa thạch gợi nên những cảm xúc khác lạ.

Một nhóm các nhà khoa học đa quốc gia đã phát hiện những dấu tay và dấu chân trên cao nguyên Thanh Tạng. Theo báo cáo nghiên cứu, kích cỡ của những dấu tay cho thấy trẻ em là tác giả của các tác phẩm nghệ thuật cổ đại. Nhóm cho rằng đây là ví dụ đầu tiên của những tác phẩm nghệ thuật vẽ trên tường đá, cho dù những hình vẽ tại cao nguyên Thanh Tạng không nằm trong hang.


Những dấu tay, dấu chân cổ đại - Những tác phẩm có niên đại vài trăm ngàn năm.

Khối đá vôi được dùng làm “tờ giấy vẽ” niên đại từ 169.000 cho tới 226.000 Trước Công nguyên, khiến những hình vẽ này là tác phẩm lâu đời nhất từng được phát hiện ra. Đây đồng thời là bằng chứng cho thấy tổ tiên của con người, hay linh trưởng thuộc chi Homo đã xuất hiện trên cao nguyên Thanh Tạng từ lâu. Hơn nữa, những dấu tay này cho thấy một trong những nghệ sĩ đầu tiên của nhân loại là trẻ nhỏ.

Hình tay thường xuyên xuất hiện trong các hang động cổ đại. Bàn tay thường được dùng như khuôn vẽ, một cá nhân sẽ lấy màu tô theo đường viền giữa các kẽ tay để tạo nên các tuyệt tác nghệ thuật. Những hang động tại Sulawesi (Indonesia) hay El Castillo (Tây Ban Nha) chứa những dấu tay cổ xưa nhất mà con người biết tới.

Trên cao nguyên Thanh Tạng, một nhóm các nhà khảo cổ, được dẫn đầu bởi nhà nghiên cứu David Zhang, đã tìm thấy dấu tay và dấu chân được bảo quản trong đá travertine - một loại đá vôi hình thành từ khoáng chất có trong nước nóng tự nhiên. Khi còn nóng, travertine sẽ đủ mềm để lưu lại dấu tay chân.

Trên lớp đá là 5 dấu tay và 5 dấu chân được ấn xuống cẩn thận, dựa trên kích cỡ chi, các nhà khoa học phỏng đoán chúng thuộc về trẻ nhỏ. Đây không phải dấu tay, chân sinh ra từ việc đi lại thuần túy mà rõ ràng, “tác phẩm nghệ thuật” này đã được lên kế hoạch tỉ mỉ.

Dấu chân có thẻ thuộc về một đứa trẻ tiền sử 7 năm tuổi, và dấu tay thuộc về những đứa trẻ khoảng 12 tuổi. Quy trình phỏng đoán tuổi tác các nghệ sĩ dựa trên dữ liệu về tốc độ tăng trưởng trên người do WHO cung cấp.

Mô hình 3D của hóa thạch.
Mô hình 3D của hóa thạch.

Ta không chắc liệu những đứa trẻ đã đùa nghịch với đá mềm khi người lớn múc nước nóng về sử dụng, nhưng đội nghiên cứu vẫn có thể khẳng định: những đứa trẻ ngỗ nghịch đã tạo ra một tác phẩm nghệ thuật, hay họ còn gọi đó là “graffiti tiền sử”.

Bên cạnh độ tuổi, độ cao của bảo tàng lưu giữ những tác phẩm này lại là một yếu tố gây tò mò khác. Những phiến đá bắt đầu hình thành ở giữa Kỷ Băng hà, thậm chí cao nguyên Thanh Tạng có độ cao 4.200 mét so với mực nước biển sẽ khiến đây là tác phẩm nghệ thuật vừa cổ xưa nhất, lại vừa được sáng tác trong hoàn cảnh éo le nhất.

Không rõ những nghệ sĩ nhí thuộc về loài Homo sapiens, hay thuộc một loài người khác nay đã tuyệt chủng. Nhóm nghiên cứu chưa tìm được câu trả lời cho nguồn gốc tác phẩm, nhưng vẫn có thể liệt kê những dấu tay, dấu chân ấy là “nghệ thuật”. Chúng được tạo tác cẩn thận và có chủ đích, gợi lên hình ảnh của một nhóm trẻ đang chơi đùa trên một cao nguyên phủ tuyết trắng.

Dù đối mặt với hoàn cảnh trắc trở, những linh trưởng hình người thuộc chi Homo vẫn có thể tìm thấy niềm vui từ những hành động đơn giản nhất. Hành động chơi đùa, hay tìm kiếm niềm vui trong hoạt động chế tác đã đưa con người đi xa, và niềm hy vọng vào tương lai vẫn tiếp tục thúc đẩy chúng ta đi xa hơn nữa.

Cập nhật: 17/09/2021 Theo Pháp luật & bạn đọc
  • 802