Nghiên cứu khoa học là một công việc nghe thì thực sự rất "oai", nhưng đằng sau là vô số những nỗi khổ mà chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu. Một trong số đó là vấn đề chi phí: nghiên cứu thực sự tốn rất nhiều tiền, mà chỉ khi có thành quả mới nhận được tiền trang trải chi phí.
Trong trường hợp không may nghiên cứu thất bại, mọi nỗ lực cũng như tiền bạc có thể đổ sống bể hết. Bởi vậy nếu không được tài trợ, các nhà khoa học sẽ phải làm việc hết sức khó khăn trong tình trạng tiền không biết sẽ hết lúc nào. Và đó là chưa tính đến một số rủi ro khác, như nếu chẳng may rơi vào hoàn cảnh suýt phá sản như các nhà khoa học tại Nga mới đây thì còn bi kịch hơn nữa cơ.
Các nhà khoa học Nga gần đây có nhiệm vụ quan sát quá trình di cư của loài đại bàng thảo nguyên.
Câu chuyện cụ thể như sau: các chuyên gia đến từ Trung tâm tái định cư cho động vật hoang dã tại Novosibirsk những năm gần đây có nhiệm vụ quan sát quá trình di cư của loài đại bàng thảo nguyên (Aquila nipalensis). Họ sử dụng thiết bị theo dõi gắn trên người chúng, loại có khả năng gửi tin nhắn về trung tâm để cập nhật địa điểm của đại bàng.
Năm nào họ cũng làm như vậy, nên về cơ bản họ cũng nắm được rằng những con đại bàng sẽ hướng về phương Nam vào mùa đông, tập trung xung quanh các khu vực vốn không có sóng điện thoại thuộc Kazakhstan. Các chuyên gia đoán được điều này, và họ cho rằng những tin nhắn sẽ được gửi về Nga khi đàn chim quay trở về, hoặc đến những khu vực bắt được sóng.
Khổ nỗi, người tính không bằng... đại bàng tính. Điều các chuyên gia không thể ngờ được là một số con đại bàng quyết định bay xa hơn, xuống tận Iran và Pakistan. Đó là những nơi có sóng điện thoại, nhưng chi phí "roaming" (chuyển vùng quốc tế) thì cao đến cắt cổ, lên tới 0,8 USD cho mỗi tin nhắn (khoảng 18 ngàn đồng tiền Việt).
Đường di cư của đại bàng Nga.
Hệ quả là trăm tin nhắn tích tụ trong thời gian lũ đại bàng ở vùng không có sóng đã đồng loạt gửi về trung tâm từ những nơi đắt đỏ trên, và để lại cho các nhà khoa học một hóa đơn tiền điện thoại khổng lồ.
Bạn biết rồi đấy, các nhà nghiên cứu nghèo lắm, số tiền trên thì vượt quá khả năng chi trả. Lúc ấy, có lẽ họ chỉ còn biết nhìn nhau mà thầm nghĩ "Toang, toang thật rồi!".
May mắn thay, các nhà nghiên cứu xui xẻo của chúng ta không đến mức rơi vào cảnh khánh kiệt, tất cả là nhờ vòng tay yêu thương của cộng đồng mạng. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành kêu gọi quỹ từ cộng đồng, và nhờ vậy phần lớn số tiền trong hóa đơn đã được giải quyết. Thậm chí, hãng di động Megafon của Nga cũng giúp đỡ họ, nên họ giờ chỉ việc tập trung vào chuyên môn nghiên cứu loài đại bàng này mà thôi.
"Số tiền thu được không những đủ để trả tiền điện thoại từ giờ đến cuối năm, mà đến hết mùa di cư của đại bàng luôn - nghĩa là đến tháng 4 năm sau" - đại diện trung tâm chia sẻ. "Thật không thể tin nổi".
Đại bàng thảo nguyên sinh sống ở phía Nam nước Nga và trên các vùng thảo nguyên của Trung Á...
Được biết, đại bàng thảo nguyên là một loài chim di cư, trong đó con cái thường lớn hơn chim đực, nặng 2,3 - 3,9kg với sải cánh lên tới 2m. Chúng sinh sống ở phía Nam nước Nga và trên các vùng thảo nguyên của Trung Á, nhưng có thể di cư đến châu Phi, Arab, Nam Á khi đông tới.
Đại bàng thảo nguyên có ý nghĩa quan trọng đối với nhiều nền văn hóa. Nhưng dẫu vậy thì hiện tại, chúng vẫn được xếp vào hàng nguy cấp trong Sách Đỏ của IUCN. Hiện tại, chỉ còn khoảng 50.000 - 75.000 cá thể còn sót lại ngoài tự nhiên, và vẫn đang tiếp tục giảm xuống.