Quy mô và số tiền được bỏ ra tổ chức những bữa tiệc này có thể làm cạn kiệt cả ngân khố một quốc gia!
"Hãy kiếm tìm thành công bằng cách phụng sự người khác, chứ không phải từ việc bắt họ trả giá" là trích dẫn của nhà văn Mỹ nổi tiếng H. Jackson Brown Jr. Thật vậy, lịch sử luôn ghi nhận những đóng góp vị tha cho nhân loại hơn sự xa hoa và khoái lạc.
Tuy nhiên, cuộc sống không phải lúc nào cũng chỉ có hy sinh và phụng sự là đáng chú ý. Năm thì mười họa, người ta cảm thấy hứng thú hơn với những sự kiện hoành tráng, tốn kém bậc nhất, phần vì tò mò, phần vì phấn khích và đôi khi là để thỏa mãn trí tưởng tượng.
Dưới đây là những bữa tiệc xa hoa hàng đầu trong lịch sử. Tuy nhiên, tổn phí về kinh tế không phải thứ duy nhất các sự kiện tầm cỡ này mang lại, mà đôi khi cái giá theo sau còn đắt hơn rất nhiều.
Nero khét tiếng là bạo chúa với một lối sống xa xỉ. Người ta cho rằng vào năm 64 sau Công nguyên, Nero đã cố tình gây ra cuộc đại hỏa hoạn thành Rome để thiêu hủy phần lớn nhà cửa nhằm lấy chỗ xây dựng lâu đài xa hoa Domus Aurea.
Domus Aurea, hay nghĩa đen "Ngôi nhà vàng", cũng là nơi tổ chức bữa tiệc xa xỉ nhất Đế quốc La Mã từng chứng kiến. (Ảnh: Pinterest)
Domus Aurea, hay nghĩa đen "Ngôi nhà vàng", cũng là nơi tổ chức bữa tiệc xa xỉ nhất Đế quốc La Mã từng chứng kiến. Diễn ra trong coenatio rotunda (phòng ăn xoay), Nero chiêu đãi khách khứa các món sơn hào hải vị cầu kỳ và xa hoa. Những vị khách chỉ có thể rời đi một khi đã nôn ra vì quá no để ăn tiếp, hoặc nếu bạo chúa mở cửa cho phép.
Truyền thuyết kể rằng Nero thậm chí còn bọc mình trong lớp da của một con thú hoang dã và tấn công những người bị trói vào cột làm trò tiêu khiển.
Mãn Hán Toàn Tịch hay Đại tiệc hoàng gia Mãn - Hán là một trong những sự kiện xa hoa nhất của triều đình phong kiến Trung Hoa. (Ảnh: Pinterest)
Đại tiệc này tổ chức vào năm 1720 và được cho là lễ mừng sinh nhật 66 tuổi Hoàng đế Khang Hy nhà Thanh, đồng thời củng cố sự thống trị của người Mãn. Trong 3 ngày cùng 6 bữa tiệc, 2.500 khách khứa đắm chìm với men rượu và hơn 300 món ăn cầu kỳ.
Ngoài những món ăn truyền thống như há cảo, vịt quay, "menu" bữa tiệc còn có một bộ sưu tập các đặc sản bí ẩn là Tam thập nhị trân, gồm 32 sản vật vói sự kết hợp của 4 nhóm Bát trân - 8 cao lương mỹ vị cầu kỳ chỉ dành cho vua chúa và cung đình.
Trong số đó là những món sơn hào hải vị như bướu lạc đà, chân gấu, não khỉ, hươu sừng, ốc vòi voi, báo thai. Bữa tiệc đánh dấu đỉnh cao của sự xa hoa và quyền lực phong kiến, nổi tiếng đến mức được tái hiện thêm nhiều lần suốt thời nhà Thanh.
Năm 1971, một bữa tiệc kéo dài nhiều ngày được tổ chức để kỷ niệm 2.500 năm thời điểm Cyrus Đại đế thành lập Đế chế Ba Tư. Sự kiện công phu diễn ra tại di tích cổ Persepolis. Là một phần của quá trình chuẩn bị, Shah (nhà vua Iran) đã dựng lên cả thành phố ốc đảo được trang trí bởi 20 dặm (32km) lụa, vô số các loại thực phẩm và đầu bếp từ Pháp; nhập khẩu 50.000 con chim sơn ca.
600 vị khách - bao gồm Hoàng đế Ethiopia Haile Selassie, hoàng tử, công chúa của Monaco cùng hơn 60 hoàng gia và nguyên thủ khác - đã dùng bữa với sản vật như trứng công kèm chim cút nướng, đồng thời nếm thử 5.000 chai rượu sâm panh cổ điển.
Giữa các bữa ăn, họ tham gia vào những màn bắn pháo hoa, biểu diễn nghệ thuật và một cuộc diễu hành có sự góp mặt của binh lính với trang phục đội quân vĩ đại nhất trong lịch sử Ba Tư.
Lễ kỷ niệm được cho là để biểu thị sự vĩ đại của chế độ Shah - ông thậm chí đã ghi lại nó trong một bộ phim tuyên truyền có tên "Ngọn lửa Ba Tư" - nhưng rốt cục sự kiện trở thành cọng rơm cuối cùng trên lưng con lạc đà, dẫn đến cái kết thể chế quân chủ hàng thiên niên kỷ tại Iran.
Vào cuối thập kỷ này, sự bất mãn ngày càng tăng với thời kỳ cai trị của Shah đã khiến ông bị lật đổ trong một cuộc cách mạng.
Vua Henry VIII của Anh và Francis I của Pháp tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào năm 1520 tại một thung lũng gần Calais nhằm cải thiện mối quan hệ giữa 2 nước. Tuy vậy, sự kiện đã vô tình trở thành trò tiêu khiển và "thể hiện" riêng với 2 vị vua.
Trong gần 20 ngày, 2 Hoàng gia đã cố gắng "out trình" nhau bằng việc tổ chức một loạt các cuộc nhậu nhẹt, đấu thương, bắn cung và tiệc tùng. Những bữa tiệc bao gồm vô số gian hàng được trang trí cầu kỳ, thịt từ hơn 4.000 con cừu non, bê và bò, cùng các vòi rượu bất tận.
Đỉnh điểm của cuộc so kè là màn đấu vật ngẫu hứng giữa 2 vị vua mà phần thắng được cho nghiêng về Francis I. Bất chấp chi phí cao ngất ngưởng - rút cạn kho bạc cả 2 quốc gia - bữa tiệc này không có tác dụng nào hơn việc ăn chơi hưởng lạc. Đến năm 1521, Anh và Pháp lại lần nữa rơi vào một cuộc chiến tranh.