Những căn bệnh đáng sợ ruồi có thể gây ra cho con người

  •  
  • 976

Ruồi vừa đóng vai trò vận chuyển mầm bệnh cho con người, trở thành dịch nguy hiểm, vừa có thể trực tiếp gây bệnh.

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Ánh, chuyên khoa Ký sinh trùng, ruồi có thể trực tiếp gây bệnh giòi. Bệnh do ấu trùng của loài côn trùng này gây ra. Chúng ký sinh và cung cấp dinh dưỡng bằng những mô lành, mô chết hay dịch hữu cơ ở mô của ký chủ.

Ruồi có thể vận chuyển mầm bệnh cho con người qua đường tiêu hóa.
Ruồi có thể vận chuyển mầm bệnh cho con người qua đường tiêu hóa. (Ảnh: Hoàng Hà).

Bệnh giòi ở người có thể gặp ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể với các biểu hiện chính sau:

  • Bệnh giòi hút máu: Chỉ có một loài ấu trùng Auchmeromyia luteola sống phụ thuộc vào người ở châu Phi nhiệt đới. Ấu trùng này ban đêm hút máu những người nằm ngủ dưới đất trong lều.
  • Bệnh giòi vết thương: Các vết thương hở không được giữ vệ sinh tốt sẽ là nơi phát triển tốt của ấu trùng ruồi. Các loài thường gặp cả ở người và thú là Lucillia sericata L.nobilis, Cochliomyia hominivorax và một số loài của Chrysomyia, Sarcophaga, Wohlfahrtia và Calliphora.
  • Bệnh giòi mụn nhọt: Gây nên do Cordylobia anthropophaga (Calliphoridae) và Dermaatobia hominis, Hypoderma spp. Giòi ký sinh chủ yếu ở chi dưới và lưng gây tổn thương đau và thường có hạch tương ứng. Tổn thương có dạng nhọt mủ chứa ấu trùng ở giai đoạn cuối sẽ tự rơi xuống đất, vết thương làm sẹo sau đó.
  • Bệnh giòi bò dưới da: Gây nên do ấu trùng của Gastrophillus và Hypoderma. Bệnh khởi đầu là một điểm đau dưới da dữ dội, sau đó điểm đau di chuyển để lại một đường đỏ liên tục. Ấu trùng có thể tồn tại nhiều tháng trên cơ thể ký chủ.
  • Bệnh giòi mụn di chuyển: Gây nên do ấu trùng giai đoạn một của ấu trùng Hypoderma bovis, H.lineanum. Khởi đầu, người bệnh bị ngứa và đau, đôi khi rất đau. Nhiều ngày sau tổn thương biến mất và lặp lại ít lâu sau. Đường đi của ấu trùng có màu đỏ rõ, đôi khi phù, cuối cùng tạo nên một bướu mủ.
  • Bệnh giòi mũi - hầu: Xảy ra trên người có sẵn một bệnh khác ở mũi hoặc mũi bình thường. Gây nên do Oestrus ovis, Rhinoestrus purpureus, Chrysomyia bezziana và Cochlyomyia hominivorax. Ruồi đẻ trứng vào hốc mũi, nhất là ở những người tiếp xúc với thú vật. Bệnh gây ngứa nhiều, đau nhức không chịu nổi, đau đầu, chảy máu cam, đau họng (khi ấu trùng vào hầu mũi), có thể gây các triệu chứng viêm màng não, thị giác suy giảm khi ấu trùng xâm lấn lên trên.
  • Bệnh giòi mắt: Ít khi gặp, thường là biến chứng của bệnh giòi mũi gây nên do Hypoderma (ở mí mắt, phần ngoài của mắt), Oestrus, Rhinoestrus, Gasterophilus, Dermatobia, Sarcophaga và Wohlfahrtia. Bệnh nhân cảm giác có vật gì bò trong mắt, thường gặp triệu chứng viêm kết mạc, đau nhức mắt, mở mí mắt khó, có thể loét mạc hay mù nếu không điều trị.
  • Bệnh giòi tai: Chỉ xảy ra ở trên người có sẵn một bệnh khác ở tai, do đó ít gặp. Bệnh gây nên do Chrysomyia, Sarcophaga, Oestrus, Rhinoestrus… Bệnh nhân đau tai cấp, ngứa. Ấu trùng có thể xuyên thủng màng nhĩ, xâm nhập xoang chũm, tai giữa và màng não gây chảy mủ và khiến tai có mùi hôi.
  • Bệnh giòi đường tiêu hóa và đường niệu sinh dục: Ở người, hai loại bệnh này là tình cờ, ngẫu nhiên. Bệnh giòi đường tiêu hóa do nuốt thức ăn sống, chưa chín kỹ có chứa trứng hoặc ấu trùng ruồi, thức ăn bị hư có giòi hoặc do thói quen ăn thức ăn để cho có giòi (cách làm mắm sống ở Việt Nam). Bệnh giòi đường niệu sinh dục do ấu trùng đi ngược từ lỗ tiểu lên bàng quang gây đau.

Theo bác sĩ Ánh, ở Việt Nam, bệnh giòi mũi, tai thỉnh thoảng gặp ở các khoa hoặc bệnh viện chuyên khoa tai mũi họng. Người bệnh thường có triệu chứng tương tự viêm xoang, viêm ống tai ngoài, viêm tai giữa, tự điều trị lâu ngày không có kết quả mới đến bệnh viện thăm khám.

Để điều trị các trường hợp bệnh giòi, bác sĩ cần chẩn đoán chính xác. Tùy từng vị trí, các bác sĩ sẽ có biện pháp điều trị thích hợp. Bệnh giòi ở da có thể rạch da gắp ấu trùng; phần mũi, mắt cần can thiệp phẫu thuật; đường tiêu hóa có thể dùng thuốc tẩy giun, sán; đường niệu sinh dục có thể xúc rửa bàng quang để tống ấu trùng ra ngoài.

Cập nhật: 25/07/2017 Theo Zing
  • 976