Ăn thịt đồng loại có kích thước lớn hơn mình thậm chí ăn thịt cả chính con mình chính là hai trong số nhiều bản năng đặc biệt và kỳ lạ của loài rắn.
Rắn là động vật bò sát, máu lạnh, cùng lớp với các loài vật có vảy như thằn lằn, tắc kè nhưng lại có răng. Ngoài ra, rắn còn là động vật không tai, không mũi, nhưng lại rất thính và rất tinh, có thể nghe và đánh hơi thấy mùi từ rất xa. Chưa hết, rắn còn có vũ khí sinh học rất lợi hại, đó là răng nanh và nọc độc..., nhưng vẫn còn nhiều điều chưa biết về loài động vật bò sát này.
Một nhóm các nhà khoa học ở ĐH tổng hợp Toronto (UOT) Canada, đứng đầu là chuyên gia sinh học K. Jackson đã tiến hành một nghiên cứu dài kỳ và phát hiện thấy, khi đói, rắn độc có thể “nuốt tươi” cả những con có độ dài lớn hơn chính bản thân nó.
Ban đầu, nó dùng nọc độc để tấn công con mồi, sau khi con mồi bị hạ gục nó bắt đầu nuốt chửng từ phía đầu. Nó dùng hàm để ngoạm sau đó dùng cột sống để ép và kéo con mồi vào trong. Khi đã nuốt hết con mồi, con rắn bắt đầu nôn ói dịch tiết để giảm áp dạ dày và giúp cho việc tiêu hóa được dễ dàng.
Theo nghiên cứu, rắn là loài động vật ăn thịt đồng loại nhiếu nhất trong tự nhiên.
Tháng 2/2009, nhóm chuyên gia sinh học ở ĐH Granade (UOG), Tây Ban Nha do 2 giáo sư là E. Mocino và K. Setser đã kết thúc nghiên cứu và phát hiện thấy, loài rắn chuông có thể ăn cả những con rắn do chúng đẻ ra nếu như những con này quá yếu không thể tồn tại được.
Trong nghiên cứu, những con rắn mẹ đã ăn khoảng 11% số trứng và những con rắn con quá yếu không có khả năng sống được. Theo các nhà khoa học, sở dĩ có tình trạng này là do rắn chuông bị cạn kiệt năng lượng sau khi sinh nên buộc phải tồn tại bằng cách ăn thịt những con quá yếu và những quả trứng không có khả năng nở con. Đây cũng là những bí ẩn liên quan đến khả năng sinh tồn, chứa đựng nhiều bí ẩn mà con người chưa có điều kiện khám phá hết.
Chrysopelea paradisi hay còn gọi là rắn bay thiên đường là một loài rắn được tìm thấy ở châu Á. Chúng có thể cuộn chặt nửa thân mình ở phía đuôi rồi đột nhiên duỗi thẳng ra tạo một sức bật để phóng vào không trung như bay.
Loài rắn có thể bay hoặc “quăng xa” tới 50 feet (trên 15 mét), truyền từ cây nọ sang cây kia mà không phải bò xuống đất rồi lại leo lên.
Đúng hơn thì trạng thái bay của rắn ở đây chính là trượt hoặc rơi từ độ cao xuống. Để “bay” được, rắn phải làm “phẳng” cơ thể sau đó chuyển động ở trạng thái hình chữ S, mang tính tịnh tiến đều. Trước tiên là “làm phẳng” hệ thống xương sườn và tự chúng tạo ra một chuyển động hình đĩa để có thể “quăng” được từ cao xuống thấp, chuyển từ cây nọ sang cây kia. Loài rắn này dựa vào chiếc đuôi để điều khiển cân bằng khiến chúng có thể bay xa.
Theo nghiên cứu mới nhất do nhóm chuyên gia ĐH Lows Pasteur của Pháp (LPU) thực hiện thì loài trăn có thể ăn trọn con mồi không bỏ thứ gì. Đây là một hành động lạ không loài vật nào có, trăn có thể nhịn ăn nhiều tháng, nhưng khi gặp con mồi nó có thể “ăn sống nuốt tươi” con mồi có kích thước lớn hơn nó rất nhiều. Ăn trọn con mồi ở đây đúng cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Ví dụ, nó có thể hút hết canxi ở bộ xương của con mồi cho đến lông đến da, có nghĩa là tận thu “tối đa” và thải ra ngoài ở mức “tối thiểu”. "Với cách này chúng đang chuẩn bị để cho cơ thể thích nghi với một thời gian dài "chay tịnh" khi đã tìm cách dự trữ chất bổ" - ông Jean Herve Lignot chuyên gia từ ĐH Louis Paster (Pháp) nói.
Vì vậy, sau khi nuốt được con mồi khổng lồ, trăn có thể sống tới hàng tháng mà không cần ăn, đặc biệt là khả năng tiêu hóa của trăn rất tuyệt vời đến nay khoa học vẫn chưa khám phá hết, thứ “văn hóa ẩm thực” duy nhất có ở loài trăn, loài rắn mà ít thấy ở các loài động vật bò sát khác.
Từ lâu, rắn hổ mang được xếp vào loại nguy hiểm, bởi nó có nọc độc, đặc biệt là có thể phun trực tiếp vào mắt đối phương, kể cả con người khi bị tấn công. Theo nghiên cứu, làm được điều này rắn hổ mang sử dụng nguyên lý co cơ, ép tuyến nọc của chúng lại để có áp lực đủ phun ra tia, có thể phóng xa khoảng 2m.
Đặc biệt, rắn hổ mang có thể hướng nọc độc này trực tiếp vào mắt đối phương bởi nọc độc thần kinh có thể làm mù mắt đối phương trong chốc lát, giúp rắn có thể thoát thân một cách an toàn. Theo nghiên cứu, nọc phun ra không phải theo dòng theo tia, mà theo dạng hình học đặc biệt, có áp lực rất lớn nhắm thẳng vào mắt đối phương. Vì thế mà nó có thể làm mù cả hai mắt của con người. Do vậy, khi tiếp xúc với rắn hổ mang mọi người cần thận trọng.
Năm 2008, các nhà khoa học đã tìm thấy loài rắn được xem là nhỏ nhất thế giới, có thể cuộn tròn trên đồng tiền xu, dài khoảng 10cm, không khác gì sợi mì, có tên khoa học là Leptotyphlops carlae. Theo chuyên gia sinh học người Mỹ Blair Hedges ở ĐH Penn State, người phát hiện ra loại rắn này cho biết, đây là loài rắn nhỏ nhất từ trước tới nay được con người phát hiện ra, nó chủ yếu ăn kiến, ấu trùng và mối để tồn tại. Mỗi lần chỉ đẻ 1-2 con.
Theo nghiên cứu của ĐH Arkansas Mỹ (UOA) thì giống như trăn, rắn có thể không ăn hàng tháng trời nhưng vẫn phát triển bình thường về độ dài, điều này được thực hiện bằng cách tiết giảm quá trình trao đổi chất của cơ thể tới 70%. Kết quả nghiên cứu trên của UOA được công bố trên tạp chí Zoology số tháng 9/2012, dựa trên nghiên cứu ở 62 con rắn chuông có màu sắc da khác nhau chuyên sống ở miền Tây nước Mỹ. Loài rắn này có những thay đổi hóa sinh rất đặc biệt nên giúp chúng có thể tồn tại mà không cần ăn hàng tháng.
Trong giai đoạn đầu không ăn, tốc độ đốt cháy calo của rắn mang tính lựa chọn, tiêu hao mỡ dự trữ, sau đó tốc độ chuyển hóa giảm dần để giúp chúng tồn tại và đây cũng là tiêu chí giúp cho rắn tiến hóa. Tuy đã thực hiện nhiều nghiên cứu nhưng những bí ẩn liên quan đến khả năng nhịn ăn của loài rắn đến nay con người vẫn chưa tường hết.