Những loài khỉ cảm nhận tình yêu, tình bạn, lòng dũng cảm, sự trung thành và thể hiện nó theo cách riêng khiến bất cứ ai cũng cảm động.
Một chú bé 2 tuổi tên là John Ssabunnya ở làng Bambo thuộc Uganda bị lạc vào rừng năm 1988, được một bầy khỉ cứu sống và nuôi nấng cậu như một thành viên trong bầy. 3 năm sau, năm 1991, người dân làng Bambo phát hiện ra trong quần thể khỉ xanh sinh sống trong rừng có một sinh vật rất giống người. Người nó đầy bụi đất, râu tóc dài thậm thượt, phủ đầy rận. Sau khi bị bắt và đem tắm rửa sạch sẽ, người ta phát hiện ra rằng cậu bé chính là John Ssabunnya.
Ảnh minh họa
Từ đó đến nay cậu được trại trẻ mồ côi Kamuzinda Christian nuôi dưỡng và đang tập tành những phong cách sống của con người.
Điểm nổi bật nhất ở cậu bé này chính là giọng hát rất trong trẻo. Hiện cậu đang là giọng ca khá nhất trong dàn đồng ca Pearl of Africa của nhà thờ.
Con khỉ cái Bin-ti Jua ở vườn bách thú brookfield (thuộc bang Chi-ca-gô-Mỹ) đã lập công cứu mạng một bé trai 3 tuổi. Đó là vào ngày 16-8-1996, một bé trai vì quá mải xem thú nên đã ngã vào khu vực nuôi khỉ Gô-ri từ độ cao 6 mét, bất tỉnh ngay trên một tảng đá trong chuồng khỉ.
Ngay lập tức, chị khỉ Bin-ni-Jua rời khỏi bầy, chạy vội đến bế bé trai lên một cách dịu dàng khéo léo, rồi ôm chặt vào lòng, mang đến đặt trước cửa ra vào để nhân viên bảo vệ vườn thú đến ôm em bé đi. Chú bé thoát hiểm, chỉ gãy một cổ tay, và sau đó được cứu chữa lành lặn. Năm đó, tạp chí Newsweek bình chọn Bin-ni Jua là “vị anh hùng của năm 1996”. Theo tiếng địa phương thì “Bin-ni Jua” có nghĩa là “tia sáng mặt trời”, và “chị hùng khỉ” quả thật là một ngôi sao sáng chói của nước Mỹ khi có hàng nghìn bức thư từ khắp mọi miền trên đất nước gửi đến tỏ lòng ngưỡng mộ và cảm ơn.
Là một thanh niên tật nguyền, chàng thanh niên Chrít-tốp-phơ. 23 tuổi người Mỹ, qua nhiều năm chỉ ngồi trên chiếc ghế bành và di chuyển rất khó khăn, khiến cho chàng trở nên bi quan, chán đời.
Nhưng từ ngày chàng nuôi dạy một con khỉ con, đặt tên cho nó là Tendresse (Dịu Dàng), thì chàng trở nên yêu đời hơn, không còn tự ti mặc cảm với thương tật của mình. Chính con khỉ Tendresse đã giúp đỡ chàng rất nhiều việc, làm thay cho chàng tất cả những việc vặt trong nhà. Chrít-tốp-phơ chỉ cần ngồi một chỗ, ra lệnh, và khỉ lập tức tuân hành ngay.
Tendresse có thể mở đóng cửa, bật tắt ti-vi, lắp băng video vào đầu máy rồi mở cho chạy hoặc ngừng, mở tủ lạnh lấy đồ ăn và đút cho Chrít-tốp-phơ ăn, rót nước cho chủ nhân uống. Khỉ Tendresse phục vụ tận tình và quan trọng là rất có... tình cảm, khiến cho bạn bè của Chrít-tốp-phơ phải gọi đùa “nàng” Tendresse là “vợ hiền” của chàng.
Đó là chú khỉ Chi-ta, “diễn viên điện ảnh” lừng danh một thời khi tham gia đóng các bộ phim về Tắc-dăng vào những năm 50-60. Khỉ Chi-ta nghỉ hưu năm 59 tuổi, vẫn tỏ ra còn sung sức khi chuyển qua lĩnh vực... hội họa. Chi-ta dùng thời giờ rảnh rỗi của mình để vẽ tranh. Tranh của Chi-ta được triển lãm ở Luân Đôn (Anh), được dân thưởng ngoạn ưa thích nên tranh nhau mua cho được, tiền thu từ những bức tranh của Chi-ta đã được sung vào Quỹ bảo vệ súc vật. Sống những năm cuối đời thanh nhàn tại Ca-li-pho-ni-a, khỉ Chi-ta luôn luôn tỏ ra là một nghệ sĩ, nhiều người phải bái phục tài năng của nó.