Không chỉ là công trình giao thông kết nối giữa 2 địa điểm, các con đường này còn sở hữu đặc tính riêng, độc đáo và kỳ lạ, trở thành nơi thu hút các tín đồ du lịch.
Thuộc cung đường Đại Tây Dương, công trình xây dựng thế kỷ của Na Uy, cầu Storseisundet sở hữu nhiều điểm khác lạ, thu hút những tay lái ưa phiêu lưu. Đặc biệt, một khúc cua đầy thử thách với góc nhìn từ dưới lên khiến người ta tưởng như cây cầu kết thúc đột ngột trên đỉnh dốc. Thiết kế này nhằm tạo điều kiện cho những con tàu lớn có thể đi qua bên dưới cầu. (Ảnh: Ky0n Cheng).
Cầu có chiều dài khoảng 8km, được thiết kế hình dáng ngoằn ngoèo với nhiều đường cua bất ngờ. Chính vì thế, Storseisundet được đánh giá là một trong những cây cầu nguy hiểm nhất thế giới. Tuy nhiên, nơi đây vẫn hút khách trải nghiệm bởi vẻ đẹp lãng mạn bên bờ biển. (Ảnh: Pinterest).
Chỉ dài hơn 1,2km, đường hầm Quách Lượng ở dãy núi Thái Hành là một trong những con đường đáng chú ý nhất tại Trung Quốc. Con đường xuyên núi đá được xây dựng vào những năm 1970. Phần lớn công việc đào đường hầm được thực hiện bởi 13 người dân làng Quách Lượng trong khoảng thời gian 5 năm. Thành quả của họ là đường hầm đủ rộng cho một chiếc xe buýt và giúp nơi đây trở thành điểm du lịch hút khách. (Ảnh: Yuangeng Zhang).
Theo Guinness, đường Baldwin (ở TP Dunedin, New Zealand) là con phố dân cư dốc nhất thế giới, với độ dốc cao nhất 19 độ. Con đường lên xuống đồi Signal này trở thành điểm hút khách du lịch trong nhiều năm qua. Hình ảnh những người đi bộ leo dốc được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Danh hiệu con đường dốc nhất của Baldwin là sự tự hào đối với người dân địa phương, trở thành cảm hứng để họ tổ chức các lễ hội hàng năm tại đây. (Ảnh: Deyan Denchev).
Nằm ở Ladakh, khu vực thuộc bang Jammu và Kashmir của Ấn Độ, đồi nam châm là nơi mang đến cảm giác như thách thức các quy tắc của lực hấp dẫn. Ngọn đồi nằm trên đường cao tốc chính trong vùng, các sườn dốc xung quanh tạo ra một loại ảo ảnh quang học khiến ôtô đi qua trông như đang lên dốc, nhưng thực tế là lăn xuống dốc. Thậm chí, tại đây còn có một biển báo cho biết nơi hiện tượng bắt đầu và chỉ người lái xe cách trải nghiệm ảo giác. (Ảnh: Wikimedia Commons).
Nối giữa Osaka, Kyoto và Kobe ở Nhật Bản, đường cao tốc Hanshin có một đoạn chạy qua tòa nhà 16 tầng Gate Tower. Con đường được ngăn cách với tòa nhà bằng rào chắn để giảm tiếng ồn và rung động, nhưng vì tòa nhà hoàn toàn bao quanh đường nên nhìn từ bên ngoài, 2 cấu trúc như được kết nối với nhau. (Ảnh: Tupungato).
Trên con đường Civic Musical ở Lancaster (California, Mỹ), một nhà sản xuất ôtô đã sử dụng các rãnh sâu với khoảng cách khác nhau để tạo ra âm nhạc. Những người lái xe qua cung đường này sẽ nghe thấy giai điệu du dương như phần cuối của đoạn nhạc "William Tell Overture". (Ảnh: Trevor Cox).
Nằm ở phía tây Na Uy, Trollstigen là con đường hẹp, uốn lượn trên sườn núi, sở hữu 11 khúc cua cùi chỏ. Nhờ những khúc cua ly kỳ và tầm nhìn ra dãy núi cùng thác nước ngoạn mục, con đường trở nên nổi tiếng. Khoảng 150.000 phương tiện di chuyển ở Trollstigen mỗi năm và con số tăng đều đặn qua thời gian kể từ khi con đường được xây dựng vào những năm 1930. Trollstigen đóng cửa trong mùa đông và du khách thường chỉ có thể đi qua nơi này từ tháng 5 đến tháng 10. (Ảnh: Karen Blaha).