Để đối phó với nắng nóng, một số tòa nhà trang bị kính thông minh thay đổi theo nhiệt độ hay kênh dẫn không khí tận dụng gió tự nhiên.
Quận Nam Xuyên, thành phố Trùng Khánh, tây nam Trung Quốc, ngày 2/8. (Ảnh: CFP)
Hè năm nay, nhiều khu vực ở Trung Quốc hứng chịu sóng nhiệt. Nhiệt độ trung bình tháng 7 là 23,2 độ C, cao nhất kể từ năm 1961, theo dữ liệu từ Cơ quan Khí tượng Trung Quốc. Từ nay đến giữa tháng 8, quốc gia này dự kiến đón nhận thêm hai đợt sóng nhiệt nữa. Để ứng phó với nhiệt độ cao, giới chuyên gia cho rằng cần chuẩn bị nhiều hơn trong các lĩnh vực như quy hoạch đô thị và thiết kế kiến trúc nhằm thích nghi với khí hậu thay đổi, CGTN hôm 3/8 đưa tin.
Là một trong những "thành phố lò lửa" với nắng nóng kéo dài vào mùa hè ở tây nam Trung Quốc, Trùng Khánh có nhiều tòa nhà tiết kiệm năng lượng ứng dụng công nghệ tiên tiến như che bóng, thông gió và tản nhiệt. Ví dụ, một tòa nhà được 10.000m2 kính thông minh bao phủ tại Khu Cảng Ngoại quan của thành phố có khả năng phản ứng với tín hiệu nhiệt. Khi nhiệt độ không khí vượt quá 35 độ C, kính sẽ tự động trở nên mờ đục, ngăn ánh sáng mặt trời và nhiệt xâm nhập tòa nhà, hoạt động như một tấm chắn nắng.
Tòa nhà kính thông minh tại Khu Cảng Ngoại quan Trùng Khánh. (Ảnh: CMG).
Kính thông minh chứa một loại nanogel polymer với phân tử phân tán đều ở nhiệt độ thấp, đạt trạng thái trong suốt và cho phép ánh sáng mặt trời đi qua, theo Zhong Xianqiang, người đứng đầu các dự án xây dựng tại Khu Cảng Ngoại quan Trùng Khánh. "Khi nhiệt độ tăng, các phân tử tập hợp lại, có thể khúc xạ và phản xạ ánh sáng ở những dải sáng khác nhau. Việc kết hợp vật liệu này với hai tấm kính tạo thành kính thông minh có thể cản nhiệt bên ngoài", Zhong giải thích.
Ở Khu vực mới Liangjiang, công trình mang tên Nhà Trùng Khánh cũng có khả năng tự làm mát ấn tượng. Hàng chục loại cây như tre vàng và thường xuân được trồng ở tất cả các khu vườn ngoài trời, bao phủ gần như toàn bộ tường ngoài của tòa nhà. Nhìn từ xa, tòa nhà trông như đang khoác một chiếc áo xanh mùa hè. Thảm thực vật dày đặc tạo nên vi khí hậu riêng, giúp giảm nhiệt độ bề mặt tòa nhà.
Kênh dẫn không khí hình chữ L từ góc tây bắc đến góc đông bắc của tòa nhà cũng giúp không gian trở nên mát mẻ hơn, tận dụng gió từ sườn đồi gần đó, theo Chen Hangyi, nhà thiết kế chính của Nhà Trùng Khánh. "Với hệ thống thông khí và tái chế nước mưa, ước tính tòa nhà có thể tiết kiệm hơn 40% - 50% năng lượng trên mỗi m2 so với những tòa nhà tiết kiệm năng lượng trung bình", Chen nói.
Nhà Trùng Khánh ở Khu vực mới Liangjiang phủ đầy cây xanh. (Ảnh: CMG).
Tại thành phố Quảng Châu, miền nam Trung Quốc, hệ thống làm mát khu vực (DCS) được sử dụng rộng rãi. So với điều hòa không khí truyền thống, hệ thống mới nâng cao hiệu quả năng lượng nhờ sử dụng một phần năng lượng tái tạo và năng lượng từ chất thải.
Tại một trạm DCS mới trong thành phố Tài chính Quốc tế Quảng Châu, có một bể với sức chứa 3.000 m3 nước đá. Mỗi đêm, trạm này sẽ bắt đầu làm và lưu trữ đá khi tải điện ở mức thấp. Hệ thống giúp giảm sự phụ thuộc vào nhiệt điện đắt đỏ và ô nhiễm trong giờ cao điểm tiêu thụ điện, đồng thời tận dụng tối đa năng lượng dư thừa như năng lượng mặt trời và gió vào giờ thấp điểm, qua đó cải thiện hiệu quả sử dụng điện tổng thể.
Trong khi đó, các hệ thống làm mát trung tâm có thể giúp giảm việc sử dụng lượng lớn máy điều hòa không khí nhỏ trong thành phố, giúp hạ nhiệt cho thành phố và giảm nhẹ hiệu ứng đảo nhiệt.