Những 'đao phủ' tí hon trong cơ thể người

  •   3,33
  • 2.304

Hàng triệu tế bào đặc biệt thường xuyên tuần tra khắp cơ thể bạn để tiêu diệt tế bào ung thư, virus và những vi sinh vật có hại. 

Tế bào 'đao phủ' đang tấn công một tế bào ung thư (màu đen). Ảnh: med.upenn.edu.


Các đồ tể tí hon nói trên là một loại tế bào bạch huyết. Chúng có thể nhanh chóng phát hiện một tế bào nguy hiểm, khoét lỗ trên lớp vỏ ngoài của nó rồi giải phóng thuốc độc vào lỗ để tiêu diệt tế bào. Chúng cũng phát tín hiệu cảnh báo để các tế bào miễn dịch khác tham gia cuộc tấn công.

Mặc dù được gọi bằng một cái tên đáng sợ, các tế bào đao phủ thực sự là những chiến binh tận tâm trong cuộc chiến không bao giờ có hồi kết với bệnh tật. Wayne Yokoyama, một nhà miễn dịch học của Viện Y khoa Howard Hughes thuộc Đại học Washington (Mỹ), cho biết, “giấy phép hành nghề” của tế bào đao phủ là một chiếc đuôi cho phép chúng tấn công các tế bào gây hại.

Mặc dù tế bào đồ tể được phát hiện cách đây hơn 30 năm song cho tới nay chúng ta vẫn chưa hiểu nhiều về chúng. Các nhà khoa học liên tục tiến hành nhiều nghiên cứu để tìm hiểu cơ chế giúp tế bào đồ tể phát hiện mục tiêu, cách chúng phân biệt tế bào nhiễm bệnh với tế bào khỏe mạnh và cách chúng tấn công mục tiêu.

“Chúng tôi vẫn chưa biết tế bào đồ tể được sinh ra từ đâu và khi nào”, James Di Santo, giám đốc khoa Miễn dịch tại Viện Pasteur (Pháp) thừa nhận. Trong khi đó, Michael Caligiuri, giáo sư nghiên cứu ung thư Đại học Ihio (Mỹ thì cho biết: “Chúng ta mới chỉ hiểu một phần cách thức tế bào đồ tể phân biệt một tế bào khác là bạn hay thù”.

Wayne Yokoyama và cộng sự từng tiến hành một số thử nghiệm về tế bào đồ tể vào những năm 80 của thế kỷ trước. Nhưng các thử nghiệm buộc phải dừng lại vì các tác dụng phụ. Mới đây Wayne và một số nhà khoa học phát hiện ra rằng tế bào đồ tể có thể nhớ vị trí của mọi tế bào nhiễm bệnh mà chúng từng tiêu diệt.

Tế bào đồ tể được sinh ra liên tục trong tủy xương. Chúng lang thang trong máu và bạch huyết để tìm kiếm tế bào bị viêm nhiễm hoặc ung thư. Khi tìm thấy một tế bào như vậy, chúng tiến tới gần và tìm cách “hành quyết” mục tiêu.

Trên bề mặt tế bào khỏe mạnh luôn có một loại protein mang tên MHC-1. Nếu tế bào đồ tể không phát hiện MHC-1 trên một tế bào nào đó, số phận của nó sẽ nhanh chóng kết thúc. Như vậy, MHC-1 chính là thứ giúp tế bào đồ tể phân biệt bạn và thù. Một điểm mạnh khác của tế bào đồ tể là tốc độ phản ứng và chúng có thể tấn công ngay sau khi phát hiện sự xuất hiện của các phân tử lạ.

Theo VnExpress (Physorg)
  • 3,33
  • 2.304