Với sự xuất hiện của công nghệ eSIM, đã đến lúc chúng ta nói lời chào tạm biệt với thẻ SIM vật lý.
Có lẽ sẽ hợp lý hơn khi chúng ta nắm rõ SIM là gì, trước khi đi sâu vào tìm hiểu về công nghệ eSIM. SIM, từ viết tắt của "Subscriber Identity Module", về cơ bản là vật chứa thông tin xác thực danh tính của bạn với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông. Nói cách khác, thẻ SIM là "cầu nối" giữa người dùng và nhà mạng. Và nếu không có nó, các nhà mạng sẽ không biết được rằng bạn đang đăng ký với mạng của họ và do đó không cho phép bạn sử dụng các dịch vụ di động của họ.
Kích thước là một trong những ưu điểm lớn của eSIM so với các loại SIM truyền thống.
Vậy, công nghệ eSIM có gì mới so với các thẻ SIM truyền thống?
Theo Digital Trends, eSIM, đúng như tên gọi của mình là SIM điện tử (electronic) hay SIM nhúng (embedded). Tuy nhiên, khác với SIM truyền thống, eSIM có kích thước rất nhỏ và được hàn trực tiếp lên bo mạch của điện thoại.
Với thẻ SIM truyền thống, bạn sẽ phải đổi SIM nếu như bạn đi du lịch ra nước ngoài và nơi bạn đến không hỗ trợ nhà mạng mà bạn đang sử dụng, hoặc bạn muốn chuyển sang một nhà mạng khác. Vậy, nếu giờ SIM được tích hợp ngay trên điện thoại, bạn sẽ không còn cách nào khác ngoài mua điện thoại mới? Rất may là không. Trên thực tế, một trong những ưu điểm của công nghệ eSIM là nó khiến việc chuyển đổi nhà mạng dễ dàng hơn trước rất nhiều. Thay vì phải đi mua SIM mới, bạn có thể tiến hành đổi sang nhà mạng khác ngay trên điện thoại của mình. Hơn nữa, nếu bạn thường xuyên sử dụng hai (hay nhiều) SIM cùng một lúc, công nghệ eSIM có hỗ trợ nhiều tài khoản và việc chuyển đổi giữa chúng cũng rất dễ dàng.
Đó là những lời hứa hẹn của liên minh GSM (GSMA). Với eSIM, điện thoại sẽ có một menu cho phép người dùng chuyển nhà mạng và quản lý tài khoản trực tiếp ngay trên thiết bị của mình. Chiếc Pixel 2 được Google ra mắt trong năm nay là một trong những điện thoại đầu tiên hỗ trợ công nghệ eSIM, và bạn có thể tải ứng dụng quản lý eSIM trên Google Play Store.
Google Pixel 2 là smartphone đầu tiên hỗ trợ công nghệ eSIM.
eSIM còn có một ưu điểm nữa là giúp các thiết bị trở nên nhỏ gọn hơn. Tuy trên điện thoại, điều này không gây nên nhiều sự khác biệt, nhưng eSIM sẽ rất hữu ích với các thiết bị đeo tay. Đồng hồ thông minh Apple Watch 3 của Apple đã được tích hợp eSIM, và đó là một phần của quá trình Apple chuyển đổi sang công nghệ mới nhằm giữ cho kích thước của sản phẩm vẫn tương đương với các thế hệ trước nhưng có nhiều cải tiến bên trong hơn.
Có thể sẽ mất một khoảng thời gian trước khi những tiềm năng của eSIM được thừa nhận. Không những các nhà sản xuất phải tạo ra các sản phẩm có eSIM mà các nhà mạng cũng phải hỗ trợ công nghệ mới này. Không chỉ các nhà mạng tại Mỹ mà sẽ thật tuyệt nếu như các nhà mạng trên toàn thế giới đều đón nhận công nghệ này. Và để điều đó xảy ra, có lẽ chúng ta sẽ phải đợi thêm một khoảng thời gian nữa.
Nhiều khả năng công nghệ eSIM cũng sẽ được đưa lên laptop, khi công nghệ 5G và 4G-LTE được triển khai một cách đại trà. Ở thời điểm hiện tại, nhiều khả năng các điện thoại hỗ trợ eSIM vẫn sẽ có khe SIM truyền thống, nhưng với tiềm năng và ưu điểm của mình, việc eSIM thay thế hoàn toàn thẻ SIM chỉ là vấn đề thời gian.