Những điều cần biết để tránh tình trạng say xỉn kéo dài

  •  
  • 7.032

Nhức đầu, xót ruột và khô miệng sau khi thức dậy là cảm giác mà nhiều người gặp phải sau một đêm tiệc tùng. Đó là do chất cồn trong bia rượu - vốn có đặc tính lợi tiểu - làm bạn mất nước dẫn tới các triệu chứng nói trên, bên cạnh việc mất tập trung và dễ cáu gắt. Không chỉ khó chịu, say xỉn kéo dài hay mệt sau cơn say (hangover) còn tiềm ẩn rủi ro tai nạn.

Nghiên cứu của Đại học Tây Anh gần đây cho thấy những tài xế bị tình trạng này mắc rất nhiều lỗi khi lái xe, ngay cả khi chất cồn trong cơ thể họ đã tan hết.

Ăn khoai tây nghiền trước khi uống rượu là một cách giúp bạn ít say và tránh các triệu chứng khó chịu vào sáng hôm sau.

Nhiều người thường kháo nhau những nguyên nhân gây say xỉn kéo dài và cách phòng ngừa nó. Để làm sáng tỏ những giả thuyết này, báo Daily Mail của Anh đã giới thiệu ý kiến của các chuyên gia, hứa hẹn giúp ích cho nhiều người trong những dịp lễ, Tết.

1. Một số người miễn nhiễm với tình trạng say xỉn kéo dài?

"Sự thật là một số người ít có nguy cơ bị mệt sau cơn say", Tiến sĩ Sarah Jarvis, cố vấn y khoa của Drinkaware - tổ chức giúp nâng cao nhận thức về bia rượu, cho biết. Lý do là vì một vài người ít bị đau đầu khi mất nước, vài người khác ít nhạy cảm với tác động của acetaldehyde, chất độc hại sản sinh khi rượu được chuyển hóa trong gan.

"Nhưng điều đó không có nghĩa là họ miễn dịch với những tác động lâu dài của bia rượu", Tiến sĩ Jarvis cảnh báo và nói thêm rằng sức chịu đựng cao có thể là dấu hiệu cơ thể đã bị tổn thương bởi chất cồn. "Cơ thể bạn xử lý cồn càng nhiều, khả năng chịu đựng những tác động tạm thời của bạn càng tăng. Nhưng tổn hại lâu dài đối với cơ thể phụ thuộc vào lượng thức uống có cồn bạn đã tiêu thụ từ trước".

2. Người có tuổi thích ứng với tình trạng mệt sau cơn say tốt hơn

Trong một nghiên cứu đối với 50.000 người, các nhà khoa học Đan Mạch phát hiện người lớn tuổi ít bị các triệu chứng mệt mỏi nghiêm trọng sau một đêm say sưa chè chén. Cụ thể, 21% phụ nữ tuổi từ 18-29 bị nôn mửa so với chỉ 3% nhóm phụ nữ từ 60 tuổi trở lên, trong khi 62% nam thanh niên bị kiệt sức so với 14% các ông trên 60 tuổi. Lý do là vì giới trẻ thường "uống hăng say" hơn người lớn tuổi hoặc người lớn tuổi chịu đựng tốt hơn với những tác động ngắn hạn của bia rượu. Một cách giải thích khác nữa là người lớn tuổi đã có cách đề phòng cơn say kéo dài tốt hơn sau nhiều lần trải nghiệm.

Những điều cần biết để tránh tình trạng say xỉn kéo dài
Ảnh: fueled.com

3. Phụ nữ chịu đựng tốt hơn nam giới?

Nếu bạn nghĩ mình là một phụ nữ khỏe mạnh và có thể hạ gục một anh chàng tại bàn tiệc thì nên xem lại - Tiến sĩ Jarvis khuyến cáo. Theo bà, dù một người phụ nữ có thể trọng tương đương với một người đàn ông thì cơ thể cô ta vẫn có nhiều mỡ và ít nước hơn người kia. Vì thức uống có cồn chỉ hòa tan trong nước nên hàm lượng cồn trong máu của người phụ nữ cũng cao hơn ở nam giới. Đó là lý do phụ nữ thường chịu đựng hậu quả say xỉn nặng hơn nam giới. Một nghiên cứu của Đại học Missouri-Columbia (Mỹ) trên 1.200 sinh viên từng chỉ ra rằng phụ nữ không chỉ mau xỉn mà còn xỉn lâu hơn nam giới, cho dù lượng bia rượu mà họ tiêu thụ bằng nhau.

4. Rượu có ga gây hại hơn rượu không có ga

Lý do đơn giản là các bong bóng CO2 trong rượu có ga đẩy nhanh tốc độ chất cồn ngấm vào ruột, khiến bạn mau say. Điều này cũng xảy ra trong trường hợp bạn pha thức uống có ga với rượu hoặc uống bia. Mặc dù không ảnh hưởng nhiều đến tình trạng mệt sau cơn say nhưng việc xỉn nhanh hơn có thể làm giảm khả năng phán đoán của bạn và khiến bạn uống nhiều hơn.

5. Màu rượu càng đậm càng nguy hiểm

Các chuyên gia cho biết tình trạng say xỉn kéo dài chủ yếu gây ra bởi sự mất nước cũng như tác động của các tạp chất và chất bảo quản có trong thức uống. Tiến sĩ Emma Derbyshire chuyên gia dinh dưỡng ở Đại học Manchester Metropolitan (Anh) cho biết một vài loại rượu có chứa các hóa chất gọi là congener (sản sinh trong quá trình lên men) tạo ra màu sắc và hương vị của rượu. "Màu rượu càng đậm, hàm lượng congener càng cao và chúng được cho là góp phần dẫn đến nhức đầu và các triệu chứng say xỉn khác", vì vậy theo bà, rượu vang đỏ hoặc rượu mạnh có thể khiến đầu bạn đau hơn khi dùng rượu gin, được chưng cất từ các loại ngũ cốc lên men (bắp, lúa mạch, yến mạch…)

6. Không pha trộn các loại đồ uống

Theo Tiến sĩ Jarvis, việc pha các thức uống với nhau khiến bạn mệt hơn, bởi vì uống nhiều loại cùng lúc đồng nghĩa cơ thể bạn hấp thu nhiều tạp chất và congener hơn. Tuy nhiên, việc uống chỉ một loại thức uống không có nghĩa bạn sẽ không bị khó chịu vào sáng hôm sau. Nó phụ thuộc vào tửu lượng của bạn và lượng tạp chất có trong thức uống.

7. Bia an toàn hơn rượu

Chúng ta từng nghe rằng uống bia trước khi uống rượu thì khi say sẽ ít khó chịu hơn là uống rượu trước khi uống bia. Dù chưa có bằng chứng nào chứng minh giả thuyết này, nhưng theo Tiến sĩ Derbyshire, có khả năng là bia chứa nhiều nước hơn rượu nên nó giúp bạn ít mất nước hơn, ít bị đau đầu và khô miệng. "Nhưng thay vì uống bia trước, bạn nên uống nước trước khi uống rượu", bà khuyến cáo.

8. Lót dạ trước khi nhập tiệc

Hãy nhớ là không để bụng đói khi uống rượu, bởi vì thức ăn giúp làm chậm tốc độ cồn ngấm vào cơ thể. Bạn có thể ăn khoai tây nghiền hoặc ăn hai muỗng bơ trước khi uống. Theo Tiến sĩ Nick Read, một chuyên gia về dạ dày-ruột ở Anh, nếu bạn dùng một ít đồ béo trước khi uống, nó sẽ giúp bạn tiêu hóa thức uống có cồn chậm lại, điều đó đồng nghĩa bạn sẽ lâu say và ít bị mệt sau cơn say. Ở một số nước, người ta còn uống dầu ôliu trước khi uống rượu.

9. Uống một ly sữa trước khi đi ngủ

Các chuyên gia đồng ý rằng uống nhiều nước trước khi đi ngủ sẽ giúp giảm thiểu tác động của tình trạng mất nước vốn làm cho bạn mệt đừ khi tỉnh dậy. Nhưng chuyên gia về chứng đau nửa đầu Andy Dowson khuyên bạn nên uống sữa trước khi ngủ, bởi thức uống này giúp chống lại nhiều triệu chứng say xỉn. "Say xỉn kéo dài gây ra bởi tình trạng hạ đường huyết và mất nước, đều là tác nhân gây đau nửa đầu. Uống sữa trước khi đi ngủ sẽ giúp bạn bổ sung nước cũng như phục hồi lượng đường trong máu. Sữa cũng là chất chống lợi tiểu, giúp bạn ít tiểu đêm, ngủ ngon và sáng dậy tỉnh táo hơn", chuyên gia Andy phân tích.

Theo Báo Cần Thơ
  • 7.032