Phụ huynh không nên cho trẻ dùng thuốc giảm đau trước khi tiêm vaccine Covid-19, tránh để trẻ đói và cần theo dõi sát sao sức khỏe của trẻ 3-7 ngày sau tiêm.
Theo Bộ Y tế, khoảng 8,2 triệu trẻ em 5-11 tuổi cả nước chuẩn bị tiêm vaccine Covid-19. Hai vaccine sử dụng để tiêm cho nhóm trẻ nhỏ là Moderna và Pfizer, đều theo công nghệ mRNA nên phản ứng sau tiêm tương tự nhau.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết mỗi trẻ đều có nguy cơ nhất định mắc Covid-19 nặng, nhập viện. Do đó, tiêm chủng sẽ giúp giảm nguy cơ tối đa, để trẻ yên tâm đến trường cũng như tham gia các hoạt động xã hội, giảm lây nhiễm, đảm bảo đạt miễn dịch trong xã hội. Tuy nhiên, để đảm bảo quy trình tiêm vaccine diễn ra thuận lợi, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyên các phụ huynh nên lưu ý những điều dưới dây.
Khai sai lệch tuổi của trẻ: Theo quy định về tiêm chủng, trẻ chỉ được tiêm khi đã đủ tuổi, không tiêm cho trẻ dưới tuổi. Lý do là các loại vaccine đều được thử nghiệm để xác định tính an toàn và hiệu quả theo độ tuổi quy định.
Hiện chưa có nghiên cứu nào xác định vaccine Pfizer đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về an toàn và hiệu quả tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi.
"Do đó, khi đưa trẻ đi tiêm, bố mẹ nên khai đúng tuổi của trẻ. Đừng vì nóng lòng muốn con được tiêm sớm hoặc nghĩ rằng con chỉ thiếu một vài tháng là đủ 5 tuổi nên khai báo sai lệch để con được tiêm. Tiêm vaccine không đúng tuổi quy định không mang lại hiệu quả phòng bệnh cho trẻ mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ", PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh.
Cần theo dõi cơ thể bé sau tiêm để phương án xử lý kịp thời. (Ảnh: Shutterstock)
Khai báo thiếu các bệnh lý nền, tiền sử dị ứng của trẻ: Theo quy định của Bộ Y tế, có các yếu tố cần quan tâm trong khám sàng lọc trước khi tiêm chủng vaccine cho trẻ em. Trong đó, phải trì hoãn tiêm đối với trẻ đang mắc các bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển; thận trọng khi tiêm với những trẻ có tiền sử dị ứng với bất cứ dị nguyên nào, trẻ bị rối loạn tri giác, rối loạn hành vi. Phải chuyển khám sàng lọc, tiêm chủng tại bệnh viện với trường hợp trẻ mắc các bệnh bẩm sinh, mạn tính ở tim, phổi, hệ tiêu hóa, tiết niệu, máu, tim, phổi bất thường, phản vệ độ 3 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào.
Đặc biệt, sau khi tiêm mũi 1 hoặc xác định trẻ có phản ứng phản vệ với các thành phần vaccine phòng Covid-19 thì sẽ chống chỉ định tiêm vaccine cùng loại. Trẻ từng mắc covid-19 cần trì hoãn tiêm trong 3 tháng từ ngày phát bệnh.
Do đó, bố mẹ cần nắm rõ tiền sử bệnh của con và khai báo chi tiết để quá trình khám sàng lọc và chỉ định tiêm được an toàn, tránh gây những tác dụng phụ đáng tiếc sau tiêm, ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe của trẻ.
Cho trẻ sử dụng thuốc giảm đau trước khi tiêm: Vì sợ các phản ứng phụ sau tiêm như sốt, đau nhức, mỏi cơ... gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nên nhiều phụ huynh cho con uống thuốc giảm đau trước khi tiêm.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, điều này là không nên. Khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho rằng việc dùng các thuốc này không có tác dụng giảm phản ứng phụ sau tiêm. Ngược lại, có thể làm nặng thêm các triệu chứng hoặc làm giảm tác dụng của vaccine.
Trước khi đưa trẻ đi tiêm vaccine Covid-19, bố mẹ nên tìm hiểu kỹ về chương trình, địa điểm và quy định tiêm ở địa phương. Mỗi địa phương sẽ có quy định về thời gian tiêm cho từng khu vực, quy trình khai báo cũng như quy định phòng chống dịch riêng. Vì vậy, bố mẹ nên liên hệ với cán bộ quản lý tại địa phương để đi đúng giờ, tránh tụ tập đông người, khai báo đúng quy trình.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng lưu ý, bố mẹ cần trò chuyện với trẻ về việc tiêm vaccine, giải thích cho con tầm quan trọng của vaccine và những phản ứng thông thường sau tiêm để trẻ không quá lo lắng. Trước khi tiêm vaccine nên cho trẻ ăn no, tránh tiêm phòng khi trẻ đang đói và sau khi tiêm nên chờ 30 phút tại điểm tiêm để theo dõi các phản ứng sau tiêm.
Bố mẹ cũng cần chuẩn bị các loại thuốc giảm đau, hạ sốt phù hợp với trẻ. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, vaccine là một kháng nguyên, khi vào cơ thể sẽ tạo ra đáp ứng miễn dịch, vì vậy một số trường hợp có thể có một số tác dụng phụ nhẹ như sốt, đau tại chỗ tiêm, nhức đầu, đau cơ... Trong các phản ứng phụ này, sốt là biểu hiện bố mẹ dễ nhận thấy qua việc kiểm tra nhiệt độ thường xuyên cho trẻ. Trong trường hợp trẻ sốt từ 38,5 độ C trở nên, có thể cho trẻ uống thuốc giảm đau như paracetamol với liều lượng 10-15mg/kg/lần, mỗi lần cách nhau 4-6 tiếng.
Các phản ứng phụ thường xuất hiện và hết sau vài giờ đến 24 giờ sau tiêm. Vì vậy bố mẹ cần theo dõi các biểu hiện của trẻ để có những can thiệp kịp thời. Tùy theo cơ địa, trẻ có sẽ có những phản ứng nặng nhẹ khác nhau. Nếu trẻ sốt cao không đáp ứng thuốc hạ sốt, đi kèm một số triệu chứng như tim đập nhanh, thở dốc, lả người... cần đưa đến cơ sở y tế ngay.
Bố mẹ cần tiếp tục theo dõi sát sao sức khỏe của trẻ từ 3-7 ngày. Nếu thấy trẻ hoàn toàn khỏe mạnh, ăn uống vui chơi bình thường thì bố mẹ có thể yên tâm.